Làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam

21/05/2020 21:17

Dự án luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.


Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 21.5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự án luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng hồ sơ dự án luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Tuy nhiên, đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Sau nội dung này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm, cho ý kiến khi thảo luận là về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án luật hay không.


Quang cảnh kỳ họp

Nhiều ý kiến thống nhất cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh; tuy nhiên, việc đưa các quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến đề nghị không nên, mà cần phải có một đạo luật riêng để điều chỉnh đối với hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị nên quy định đối tượng hộ kinh doanh thành một chương trong dự án luật này. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung: thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp; về doanh nghiệp nhà nước; việc chào bán trái phiếu riêng lẻ; quyền của cổ đông phổ thông; về điều lệ doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; về đăng ký, quản lý doanh nghiệp; về chế độ báo cáo; về giải thể doanh nghiệp; trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; về doanh nghiệp xã hội...

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Dự thảo luật gồm 8 chương, 79 điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của luật hiện hành.

Về cơ bản, dự thảo luật không mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cơ bản theo các nhóm chính sách gồm Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ; bỏ hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong nguồn hình thành Quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

Liên quan đến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo giải trình rõ việc bổ sung quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, giảm các đơn vị sự nghiệp và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách; việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến đi sâu phân tích về quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; về chi phí giám định tư pháp; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; về trưng cầu giám định tư pháp trong trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định; về Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; về hoạt động giám định ngoài tố tụng...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam