Tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã phát biểu ý kiến đóng góp vào dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương)
Tôi nhất trí với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) của Ủy ban Quốc phòng và an ninh và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo. Dự án luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục, nội dung dự thảo luật hợp lý, logic; đã thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đã cụ thể được Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
Trong nội dung điều 22 về thiết quân luật; điều 23 về giới nghiêm, hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thiết quân luật, giới nghiêm đã được thể hiện dưới dạng “áp dụng các biện pháp đặc biệt” quy định tại khoản 6 điều 22, “áp dụng các biện pháp cần thiết” quy định tại khoản 4 điều 23. Tuy nhiên, cần rà soát, bổ sung để quy định rõ hơn, dễ áp dụng trên thực tế.
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung tại khoản 10 điều 22, khoản 6 điều 23 là hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ. Trên thực tế, Nghị định số 32/2009/NĐ-CP, Nghị định số 116/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về trình tự, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của người chỉ huy đơn vị quân đội làm nhiệm vụ thi hành thiết quân luật và Ủy ban quân sự các cấp. Tuy nhiên, các văn bản nêu trên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Hiện nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng chưa hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ban Thường vụ, Bí thư, Chủ tịch UBND với Ủy ban quân sự trên địa bàn thiết quân luật. Vấn đề này đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy định cụ thể.
Tôi đồng ý thực hiện lệnh thiết quân luật do quân đội thực hiện là chủ yếu, nhưng vẫn phải có lực lượng phối hợp khác như công an nhân dân, dân quân tự vệ…. Vì vậy, đề nghị sửa đổi khoản 1: “….. do quân đội chủ trì thực hiện”.
Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp, đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng. Trên thực tế rất có thể dẫn đến chính quyền ở địa bàn giới nghiêm không kiểm soát được tình hình; các thế lực phản động bên trong cấu kết với lực lượng thù địch bên ngoài gia tăng các hoạt động chống phá, dẫn đến bạo loạn vũ trang, nguy cơ đất nước bị xâm lược từ bên ngoài. Mặt khác, pháp luật về an ninh quốc gia chưa quy định vấn đề này. Vì vậy, việc quy định giới nghiêm trong dự thảo luật là cần thiết.
HOÀNG QUỐC THƯỞNG