Làm rõ một số bất cập của Luật Viễn thông

25/04/2023 19:08

Xu thế phát triển hội tụ ngày một sâu rộng của công nghệ thông tin, viễn thông nảy sinh một số bất cập trong văn bản pháp luật liên quan.


 Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá cao các ý kiến tham gia tại buổi làm việc

Chiều 25.4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và 4 đơn vị viễn thông tại Hải Dương (Viettel, VNPT, FPT, MobiFone) để đánh giá kết quả thực hiện Luật Viễn thông trên địa bàn tỉnh.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị làm rõ một số nội dung như ngầm hóa cáp viễn thông, chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, xu thế phát triển hội tụ ngày một sâu rộng của công nghệ thông tin, viễn thông nảy sinh một số bất cập trong văn bản pháp luật liên quan. Công tác quản lý thị trường chưa theo kịp tốc độ, xu thế phát triển của thị trường viễn thông, internet. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông, internet cấp huyện, xã còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Cao Thắng làm rõ một số nội dung liên quan đến tình hình triển khai thực tế Luật Viễn thông trên địa bàn Hải Dương

Tại buổi làm việc, các đại biểu và đại diện 4 doanh nghiệp viễn thông đã nêu một số vấn đề khi triển khai Luật Viễn thông, như: phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông; quản lý tần số, kiểm định thiết bị truyền dẫn; bảo vệ tài sản, an toàn mạng viễn thông; quản lý, chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông; xây dựng hạ tầng trạm phát sóng thông tin di động (BTS); quản lý thông tin thuê bao di động; hạ ngầm cáp viễn thông; quy định về khuyến mãi…


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Trung tâm Điều hành VNPT Hải Dương

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu những ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các doanh nghiệp tại buổi làm việc. Những vấn đề còn bất cập, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phản ánh với ban soạn thảo. 

Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã khảo sát thực tế tại Trung tâm Điều hành VNPT Hải Dương.

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23.11.2009, hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Để hướng dẫn thi hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp tham mưu ban hành 3 nghị định, 8 quyết định của Chính phủ; 62 thông tư hướng dẫn của bộ này; 11 thông tư liên tịch của các bộ.

Tại Hải Dương, từ năm 2011 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 60 hội nghị tập huấn Luật Viễn thông, các văn bản pháp luật liên quan đến viễn thông, internet cho các đối tượng hoạt động kinh doanh lĩnh vực liên quan; in ấn gần 3.000 tài liệu tuyên truyền về an toàn bức xạ trường sóng điện từ gửi lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hải Dương hiện có 9 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực viễn thông, gồm: chi nhánh Hải Dương của Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, Công ty CP Viễn thông di động Vietnamobile, Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile); Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist – chi nhánh 2; Công ty CP Truyền hình cáp Hải Dương. Giai đoạn 2016-2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 500 điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Về hạ tầng viễn thông, Hải Dương có 3.229 trạm BTS, đặt tại 1.565 vị trí, phủ sóng tới tất cả các khu vực trong tỉnh; 12.830 tuyến cáp viễn thông với tổng chiều dài ước đạt 758 km. Toàn tỉnh có 2,29 triệu thuê bao điện thoại (hơn 20.000 thuê bao điện thoại cố định, 2,26 triệu thuê bao điện thoại di động), tỷ lệ 116 thuê bao/100 dân; 1,69 triệu thuê bao internet băng thông rộng (gần 402.600 thuê bao internet băng rộng cố định, 1,29 triệu thuê bao băng rộng di động), tỷ lệ 86 thuê bao/100 dân. Doanh thu lĩnh vực viễn thông tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10-15%.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ một số bất cập của Luật Viễn thông