Làm phôi thiếp - nghề mới ở Ninh Giang

12/07/2014 09:57

Mặc dù là phụ, nhưng nghề làm phôi thiếp ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã tồn tại hơn 7 năm nay.


Nghề làm phôi thiếp thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia

Nghề này đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều chị em phụ nữ trong huyện và có xu hướng ngày càng mở rộng.


Kiên trì giữ xưởng


Nghề làm phôi thiếp xuất hiện đầu tiên ở xã Đông Xuyên, do vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Đông Cao đưa về. Thấy nhiều chị em phụ nữ nông nhàn, chị Dung bàn với chồng mở nghề phụ, trước hết để tạo công ăn việc làm cho mình, sau đó đến người trong thôn, xã. Là cán bộ phụ nữ của thôn, chị Dung biết Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Phụ nữ tỉnh) thường có các chương trình dạy nghề cho phụ nữ nông thôn. Thông qua trung tâm, chị biết Công ty TNHH Vân Anh (TP Hải Dương) đang cần gia công hàng phôi thiếp để xuất khẩu đi nước ngoài. Công việc đơn giản, nguồn hàng ổn định, thu nhập lại khá nên chị đã sắp xếp công việc gia đình theo học nghề 1 tháng. Học xong, chị tìm thuê đất để xây dựng nhà xưởng, mua sắm bàn ghế. Do là nghề mới nên lúc đầu nhiều chị em không mặn mà. Chị Dung thông qua Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động chị em đến học nghề. Do chỉ quen với công việc nhà nông, đến khi cầm kéo thì nhiều chị em tay còn ngượng nên ngày công không cao. Chị Dung chia sẻ: "Lúc đầu chúng tôi vận động được 70 chị em đến học nhưng do khó làm, thu nhập lại thấp nên chỉ còn chưa đến 20 người tiếp tục học. Có lúc tôi tưởng phải bỏ xưởng, vì số người học quá ít, hàng làm ra lại không đẹp, phải sửa chữa nhiều".

Với quyết tâm theo nghề, không bỏ phí công sức đã gây dựng, chị kiên trì động viên chị em. Do đó nhiều chị em cũng kiên quyết bám nghề, gắn bó đến tận bây giờ. Hiện nay, họ có thể làm được nhiều mẫu hàng và thu nhập khá. Có người cao nhất được 4 triệu đồng/tháng, còn trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, xưởng của chị Dung đã tạo việc làm cho 8 tổ mỗi tổ từ 7-10 lao động và một lượng lớn chị em lấy hàng về nhà tự làm. Trung bình mỗi tháng, xưởng của gia đình chị xuất khoảng 500 nghìn sản phẩm các loại.

Đã thành lập Công ty TNHH Thanh Nghìn, công việc cũng thuận lợi hơn nhiều nhưng chị Ngô Thị Thanh Nghìn ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong vẫn không thể quên được những khó khăn lúc đầu khi đưa nghề làm phôi thiếp về xã. Chị Nghìn cho biết, do chưa quen tay, chỉ được vài nghìn một ngày nên chị em chán nản, không muốn làm nữa. Có người nhận hàng về làm hỏng, chị lại phải mất công sửa lại, còn chị em thì không có thu nhập. Chính vì thế số lượng người làm cứ giảm dần. Tuy nhiên, có vài chị kiên trì, quyết tâm gắn bó với nghề nên tay nghề ngày càng vững và cho thu nhập cao dần. Nhìn vào thu nhập của họ, nhiều chị em trong xã đã quay lại học nghề. Đến nay, công ty của gia đình chị Nghìn tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động và nhiều lao động thời vụ.

Nghề phụ, thu nhập chính

Mặc dù là nghề phụ nhưng làm phôi thiếp đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều chị em ở Ninh Giang. Chị Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang cho biết, huyện có nhiều

Làm phôi thiếp không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu là sự chăm chỉ, theo một khuôn mẫu có sẵn. Mỗi người làm 1 công đoạn. Sản phẩm được xuất khẩu sang Đài Loan và Hàn Quốc để gắn vào cổ các chai rượu, dùng trong đám hiếu, hỷ, sinh nhật.

công ty, xí nghiệp, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn nhưng lại yêu cầu khắt khe về thời gian. Nhiều chị em có gia đình, bận chăm sóc con cái không thích hợp làm trong các công ty. Chính vì thế khi có thêm nghề phụ này, nhiều chị em phấn khởi đến xưởng làm hoặc nhận hàng mang về tận nhà làm. Với nghề này họ vừa có thu nhập, lại chăm sóc được con cái và làm ruộng. Hiện nay, nghề làm phôi thiếp đang phát triển mạnh ở 3 xã Hồng Phong, Đông Xuyên và Nghĩa An, thu hút khá đông phụ nữ tham gia.

Nhà chị Đặng Thị Gấm ở thôn Bồ Dương (xã Hồng Phong) có 5 người, mẹ già, 2 con còn đi học, chồng đi xây. Trước đây, chị chỉ cấy 1 mẫu ruộng và nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thời gian rảnh rỗi nhiều nhưng không thể đi làm cho các công ty. Cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập 3 triệu đồng của chồng nên gia đình rất khó khăn. "Khi xã có nghề phụ, tôi đã tham gia ngay. Đến nay, thu nhập mỗi tháng của tôi từ 2-2,5 triệu đồng, giúp cải thiện cuộc sống gia đình, cho các con ăn học", chị Gấm cho biết.

Cũng gắn bó ngay từ khi nghề mới được đưa về địa phương, chị Lê Thị Liễu ở xã Đông Xuyên cho biết: "Nếu chăm chỉ, thu nhập một tháng cũng được khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ làm được việc nhà, đưa đón các con đi học, chăm sóc đồng ruộng. Nếu làm trong công ty thì tôi không thể làm được những công việc đó".

Không chỉ thu hút chị em phụ nữ, mà nghề làm phôi thiếp còn thu hút nhiều học sinh trong những ngày nghỉ hè. Em Trần Thị Lý ở thôn Đông (Hồng Phong) đang làm tại Công ty TNHH Thanh Nghìn cho biết: "Năm nào được nghỉ hè, em cũng đến đây làm thêm 2 tháng có gần 1 triệu đồng để mua sách vở, quần áo".

Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang đã đưa nhiều nghề phụ về cho chị em phụ nữ, một số nghề chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Nghề làm phôi thiếp đã tồn tại ở đây được 7 năm. Nguyên nhân là do nghề này có đầu ra ổn định và mang lại thu nhập khá cho nhiều chị em. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ nhân rộng nghề làm phôi thiếp ra nhiều xã khác trong huyện, đồng thời tìm hiểu và đưa thêm một số nghề mới khác về cho chị em. Huyện hội phấn đấu hầu hết chị em phụ nữ trong huyện đều có nghề phụ làm lúc nông nhàn, góp phần nâng cao cuộc sống.

THANH HÀ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm phôi thiếp - nghề mới ở Ninh Giang