Trên báo Nhân Dân số 113, từ ngày 21 đến 25-5-1953, Bác Hồ viết bài “Phát động quần chúng” (bút danh C.B).
Bài báo của Bác viết về việc học tập chính sách phát động quần chúng, vì nó quan hệ đến quyền lợi của mọi người. Bác nêu ví dụ: “Anh B., cán bộ Nông hội, là một bần nông, giải thích chính sách như sau: "- Ai phát? - Cán bộ Đảng và Chính phủ phải phát. - Ai động? - Nông dân lao động phải động. - Ai là quần chúng? - Bần nông, cố nông, trung nông là quần chúng.
- Phát thế nào? - Phải đoàn kết và tổ chức nông dân, làm cho nông dân tự giác, tự nguyện đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi của mình.
- Động thế nào? - Phải theo thật đúng chính sách của Đảng, của Mặt trận, của Chính phủ mà đấu tranh, không rụt rè, lay động. Cũng không hấp tấp vội vàng.
- Muốn phát động phải thế nào? - Phải chuẩn bị đầy đủ, tức là: Đại đa số nông dân đã yêu cầu; Nông hội đã tổ chức chặt chẽ; có đủ cán bộ để lãnh đạo; Trung ương đồng ý, mới được phát động.
Trong phát động, để giữ lấy quyền lợi của mình, nông dân phải tổ chức thi đua tăng gia sản xuất. Phải thật sự chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải hăng hái tham gia công việc kháng chiến, để giữ nhà, giữ làng, giữ nước".
Sinh thời, Bác Hồ khẳng định, nhân dân là chủ thể của lịch sử, là người làm nên lịch sử. Chính vì vậy, khâu phát động quần chúng trong mọi việc là hết sức quan trọng. “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Để làm gương trong phát động, cán bộ phải “Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Phải “Miệng nói, tay làm”, “thật thà nhúng tay vào việc”, không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại.
Ngày nay, vận dụng tư tưởng của Bác, người cán bộ lãnh đạo cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân; đi sâu, đi sát vào nhân dân, để từ đó mà nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện, uốn nắn bổ sung hoàn chỉnh các chủ trương sao cho hợp lòng dân. Phải có năng lực tổ chức và nghệ thuật vận động quần chúng; có uy tín thể hiện ở nhân cách, ở khả năng thuyết phục, tổ chức quần chúng. Nếu được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ sẽ làm được tất cả, bằng không sẽ là ngược lại… Giá trị đạo đức Hồ Chí Minh trở thành bất diệt bởi cái nền muôn đời bền vững ấy.