Trong nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của xã Ngô Quyền (Thanh Miện), nổi bật là mô hình trồng nấm của anh Luyện Huy Hùng, ở thôn Phạm Xá.
Anh Hùng giới thiệu về công nghệ sản xuất nấm giống
Anh Hùng học được nghề trồng nấm từ khi còn tại ngũ. Năm 1987, sau khi phục viên anh lại đi làm thuê cho một số cơ sở trồng nấm ở Thái Bình, Vĩnh Phú để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 1998, anh về quê bắt đầu khởi nghiệp bằng 20m2 đất trong vườn và 3 tạ rơm từ việc cấy lúa của gia đình. Nguồn giống anh mua của Viện Di truyền nông nghiệp. Sau một thời gian trồng, anh thu được 1 tạ nấm. Tuy nhiên, nấm trồng ra không có thị trường tiêu thụ, anh chưa tìm được mối hàng để xuất bán. Anh đã phải mang cho người nhà, hàng xóm dùng thử, đồng thời tuyên truyền về tác dụng của cấy nấm. Anh đi nhiều nơi, vào các nhà máy, siêu thị giới thiệu về sản phẩm nấm do cơ sở của anh sản xuất ra. Qua một thời gian, nhiều người đã quen với sản phẩm của gia đình anh và nhiều nơi đã ký hợp đồng mua nấm của anh. Mở rộng nghề, anh thuê 1ha đất của xã để xây dựng nhà trồng nấm và các công trình phụ trợ. Trung bình mỗi năm anh Hùng sử dụng 100 tấn nguyên liệu, sản xuất ra 50 tấn nấm, gồm nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ... Khoảng 50% số sản phẩm anh bán vào các siêu thị, 20% bán tại địa phương và 30% bán cho Công ty Mi-cô-em. Ngoài ra, anh còn thu mua nấm của một số người ở địa phương và các tỉnh bạn, trung bình mỗi năm khoảng 20 tấn. Để thuận tiện cho việc sản xuất, năm 2002, anh tham gia một khóa học của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội về chuyển giao công nghệ sản xuất nấm giống. Anh đầu tư 2 tủ nuôi cấy tế bào lưu giữ con giống, góp phần chủ động trong sản xuất và cung cấp nấm giống cho các cơ sở khác.
Mỗi năm cơ sở sản xuất nấm của anh Hùng giải quyết việc làm cho 16 lao động với thu nhập bình quân 65 nghìn đồng/người/ngày công. Cơ sở sản xuất nấm của anh lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm.
THANH HÀ