Riêng năm 2015, anh Đỗ Xuân Hợi ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) bán ra thị trường trên 30 cây cảnh nghệ thuật, đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng...
Anh Đỗ Xuân Hợi ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) sở hữu nhiều cây cảnh quý
Cũng như nhiều nhà vườn khác, dịp Tết Bính Thân vừa qua, anh Đỗ Xuân Hợi ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) phấn khởi vì có nhiều cây cảnh cung cấp ra thị trường và được khách hàng ưa chuộng gồm: 50 chậu trà my, trà bát tiên, 20 chậu hải đường, 10 cây mộc hương, 300 giò phong lan các loại, 270 cây đào, quất, 50 cây cam canh và 40 cây phật thủ. Anh Hợi khoe: "Trước Tết hằng tháng, nhiều khách hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng tìm đến đặt hàng các cây cảnh quý hiếm như cây gỗ trắc với giá 30 triệu đồng, cây sung dáng long giá 20 triệu đồng, cây me dáng long và cây vú sữa dáng trực giá mỗi cây 10 triệu đồng". Chỉ tính riêng trong dịp Tết, anh Hợi thu lãi 40 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh cây cảnh.
Đến với nghề cây cảnh, anh Hợi như có duyên nợ. Những năm còn là học sinh THPT, anh thường xuyên theo ông Dục, một người quản trang đến chăm sóc cây cảnh tại nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nhìn những chậu thược dược, hồng nhung hay cúc vàng được ông Dục chăm sóc tỉ mỉ, anh rất thích rồi xin ông đem về nhà trồng. Học xong phổ thông, anh Hợi đi học nghề và làm công nhân tại Công ty TNHH Hà Bình. Trong 10 năm làm công nhân, dù công việc bận rộn, anh vẫn tranh thủ thời gian trồng hoa, cây cảnh. Từ năm 2005 đến nay, anh Hợi bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cây cảnh. Anh cho biết: "Vì đam mê nên tôi chặt bỏ cả 1 sào ổi đang cho thu hoạch để chuyển sang làm cây cảnh nghệ thuật. Thời điểm đó, trồng hoa, cây cảnh tuy chỉ là nghề tay trái, nhưng thực tế đã đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình". Mặc dù thị trường những năm gần đây có bão hòa, sản xuất, kinh doanh cây cảnh bị chững lại, nhưng anh Hợi đã tìm hướng đi riêng. Anh đi sâu vào sưu tầm, sản xuất, kinh doanh những cây cảnh quý hiếm và độc đáo nên vẫn có lãi cao. Riêng năm 2015, anh Hợi bán ra thị trường trên 30 cây cảnh nghệ thuật, đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng.
Hiện tại, anh Hợi là một trong số ít nhà vườn ở Nam Sách sở hữu nhiều loại cây cảnh quý hiếm và độc đáo như thị, chanh, gỗ trắc, phượng vỹ. Anh Hợi có tới 200 sản phẩm bonsai, cây cảnh đạt tiêu chuẩn, nhiều loại phong lan quý như trầm Hòa Bình, Phi Điệp biến đổi gien Lai Châu, Bát Bảo Tiên, Cửu Bảo Tiên... Anh Hợi cũng là hội viên trẻ nhất trong Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Sách. Anh đã từng đoạt giải cao trong các triển lãm như giải đồng tại Triển lãm sinh vật cảnh Hà Nội nghìn năm Thăng Long; giải bạc tại Triển lãm sinh vật cảnh của huyện Nam Sách lần thứ 3 năm 2015.
Thời gian tới, anh Đỗ Xuân Hợi dự định sẽ mở rộng 1 mẫu đất ngay chân cầu Bình, cạnh quốc lộ 37 để phát triển sản xuất, kinh doanh cây cảnh. Anh muốn tiếp tục đem công sức nhỏ bé của mình để góp phần làm đẹp cho quê hương.
MINH HẠNH