Khu chuyển đổi rộng 3.600 m2 của gia đình ông Đào Đình Tuy ở thôn An Cư, xã Nghĩa An (Ninh Giang) được quy hoạch khá đẹp mắt.
Ông đào ao, lập vườn, xây dựng chuồng trại nuôi cá, nuôi lợn cũng như nhiều người khác. Tuy nhiên, năm 2009, qua một người bạn ông tiếp cận với nghề nuôi rắn. Đầu năm 2010, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng khu chăn nuôi rắn rộng 170 m2, với 400 ô chuồng và bắt đầu nuôi thử 100 con rắn hổ mang trâu, hổ mang đen. Năm đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên rắn hổ mang trâu bị thất thoát, không mang lại hiệu quả. Không nản chí, ông vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đàn rắn của gia đình ngày càng sinh sản phát triển. Ông cho biết: “Giống rắn hổ mang đen rất dễ nuôi, thích nghi với thời tiết, lại nhanh lớn, thức ăn cũng dễ tìm kiếm, chủ yếu là chuột, cóc, ếch nhái, gà con... Mỗi tháng, rắn lột xác 1 lần, một năm có 8 tháng ăn, 4 tháng nghỉ đông. Rắn ăn nhiều, đẻ trứng mạnh chủ yếu từ tháng 5 - 6. Hiện tại, gia đình ông có 100 cặp rắn bố mẹ, rắn đẻ mỗi đợt từ 25 - 30 quả trứng, sau gần 2 tháng ấp thủ công thì nở, với tỷ lệ khá cao (từ 98 -100%). Năm 2012, ngoài để lại nuôi 300 con rắn thương phẩm, ông còn cung cấp hơn 500 con rắn giống cho một số gia trại trong thôn và ở các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ. Mỗi quả trứng rắn hổ mang đen có giá 50 nghìn đồng, rắn con mới nở bán được 180 nghìn đồng. Rắn thương phẩm nuôi trong khoảng từ 12 -15 tháng thường có trọng lượng đạt hơn 2,5 kg/con, với giá từ 0,8 - 1 triệu đồng/kg.
Từ hai bàn tay trắng, đến nay gia trại của ông Tuy đã có 400 con rắn, chủ yếu là hổ mang đen. Năm 2012, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng từ bán rắn giống và rắn thương phẩm.
Ông Tuy là người nuôi rắn đầu tiên ở thôn An Cư. Gia đình ông hiện đang xuất bán đàn rắn thương phẩm, dự kiến thu hơn 400 triệu đồng. Thời gian tới, ông tiếp tục đầu tư xây thêm 400 ô chuồng nuôi rắn hổ mang.
MINH PHƯƠNG