Tận dụng lợi thế vùng đất có nhiều đặc sản, anh Nguyễn Huy Đại đã phát triển nghề nuôi ong mật, chế biến mắm cáy... để làm giàu.
Mỗi năm, anh Đại thu gần 100 triệu đồng từ mắm cáy
Nhiều người có dịp đi qua tỉnh lộ 390B về huyện Thanh Hà cảm thấy ấn tượng đối với trang trại nuôi ong mật của anh Nguyễn Huy Đại ở thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng. Ngoài mô hình phát triển kinh tế từ ong mật, anh Đại còn làm mắm cáy, nuôi thủy sản.
Mới 38 tuổi nhưng nay anh Đại đã có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi ong. Lúc đầu, anh Đại mua con giống của những người quen biết ở khu Hà Đông, nuôi 30 đàn. Sau đó, thấy nuôi ong mang lại giá trị kinh tế cao, anh nuôi gần 150 đàn, đặt ở các vườn của người quen. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế chung, khoảng 3 năm trở lại đây, anh Đại đã bán hơn 40 đàn. Ngoài việc lấy mật ong, anh Đại còn bán ong giống. Cứ đến khi vải, nhãn sắp ra hoa, anh lại nhân giống ong và bán cho bà con. Vừa qua, anh đã bán được 100 đàn ong với giá bình quân 2 triệu đồng/đàn. Mật ong khi lấy xong được chiết vào chai bán nguyên chất. Hầu hết mật ong khi thu hoạch xong đều có người đến mua luôn, còn một ít anh Đại bán tại nhà. Khi hết mùa lấy mật vải, nhãn, anh Đại lại đưa ong lên Hòa Bình để thu mật từ các loài hoa khác. Mỗi năm anh thu được khoảng 4,5 tấn mật. Năm nay do thời tiết mưa nhiều nên anh chỉ được khoảng hơn 3 tấn mật ong. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi gần 300 triệu đồng từ nuôi ong.
Anh Đại là người gắn bó với nông nghiệp nên ngay khi bước vào xây dựng cơ nghiệp, anh đã có suy nghĩ, muốn làm giàu phải biết tận dụng được cơ hội. Thanh Hà có con cáy đặc sản nên anh Đại đã đầu tư thiết bị để làm mắm cáy, thức chấm đậm đà hương vị truyền thống được nhiều người ưa chuộng. Hiện tại, anh có một máy xay cáy, hơn 20 chum sành đựng mắm. Vào thời điểm này, vừa làm mắm cáy, vừa thu mật ong nên anh phải thuê 3 người làm mắm. Anh trả công 150 nghìn đồng/người/ngày. Anh Đại thường đặt mua cáy ở khu Hà Đông để làm mắm. Mắm cáy khi làm xong bày bán tại nhà. Nhiều người từ Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đến đặt mua. Để có được mắm cáy ngon, anh Đại đã mua nhiều sách về đọc, tìm đến những người có kinh nghiệm làm mắm ở địa phương để học hỏi thêm kinh nghiệm. Mỗi năm anh Đại thu hơn 100 triệu đồng từ làm mắm cáy.
Với suy nghĩ, làm nông nghiệp phải đa dạng các mô hình và cần có quyết tâm cao, cuối năm 2012, anh chuyển một mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào 2 ao thả cá. Do chưa có điều kiện nên bước đầu anh Đại chỉ thả gần 2.000 con cá trôi, trắm truyền thống. Từ nay đến cuối năm anh sẽ cải tạo lại ao để nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao hơn. Anh Đại cho biết: "Mặc dù đến nay tôi vẫn nợ vốn vay từ ngân hàng, nhưng làm các mô hình này, tôi tin là không bị lỗ. Những công việc này luôn hối thúc tôi làm từng ngày, không ngơi nghỉ và từ bao giờ, tôi đã gắn bó và say mê với nó”.
NGUYỆT MINH