Trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Quang Trung (Kinh Môn), gia đình anh Đặng Văn Giảng- ở thôn Đồng Quang là một điển hình.
Anh Giảng cho chim cút ăn
Trước đây 2 vợ chồng anh Giảng chuyên làm nông nghiệp. Nhưng ruộng đất ít, chỉ cấy lúa nên hiệu quả không cao. Trong khi đó lại phải lo cho các con ăn học nên kinh tế gia đình anh luôn rơi vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”. Năm 1990, khi xã có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh, anh Giảng đã đăng ký tham gia. Những năm đầu, anh đào ao thả cá và nuôi lợn. Tuy nhiên, đây là vùng đất chua, trong khi anh chưa có kinh nghiệm nuôi cá nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có năm còn bị thua lỗ vì dịch bệnh, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Không nản chí, anh Giảng tìm mua sách, báo, đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu và tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức để trang bị thêm kiến thức. Từ đó, việc chăn nuôi, thả cá đã mang lại hiệu quả. Với 1,6 mẫu, anh làm 1 mẫu ao thả cá chim trắng, rô phi. Trên bờ, anh xây dựng chuồng trại để nuôi 5 con lợn nái sinh sản và từ 150-200 con lợn thịt mỗi năm, gần 4.000 con gà, vịt.
Khoảng 4 năm trở lại đây, anh Giảng chủ yếu tập trung nuôi chim cút và cá. Anh Giảng cho biết: "Qua tìm hiểu, thấy nhu cầu của thị trường về trứng chim cút lớn, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm và mua giống từ Công ty Giống gia cầm Thụy Phương về nuôi. Trung bình mỗi lứa tôi nuôi từ 7.000 - 8.000 con, lúc cao điểm lên đến 1 vạn con. Mỗi ngày thu 3.000 - 4.000 quả trứng. Thị trường tiêu thụ trứng rất ổn định. Chúng tôi không phải mang đi mà có người đến mua. Nuôi chim cút cũng giống như nuôi các loại gia cầm khác, phải chú trọng phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại. Tuy vất vả, bận hơn nuôi những con khác nhưng chúng có ưu điểm là không cần diện tích nuôi lớn, có thị trường ổn định".
Với mô hình chăn nuôi tổng hợp như vậy, mỗi năm gia đình anh Giảng thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng.
THANH HÀ