Nhờ tích cực tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Nguyễn Thanh Bình ở thôn Tiên Tảo, xã Thanh An (Thanh Hà) đã giàu lên từ cây cóc.
Mỗi năm gia đình anh Bình thu lãi hơn 400 triệu đồng từ trồng cóc
Trước đây vợ chồng anh Bình vốn làm nghề buôn bán. Tuy nhiên, do nặng lòng với đồng đất quê nhà, năm 2011 anh đã từ bỏ công việc mang lại thu nhập ổn định để về quê lập nghiệp. Anh Bình cho biết: “Lúc đầu, tôi dự định sẽ trồng cây ăn quả truyền thống như ổi, vải, chanh... Tuy nhiên, có thời điểm những loại cây này giúp nông dân ăn nên làm ra nhưng cũng có lúc phải lao đao do thị trường đã bão hòa. Với suy nghĩ đó, tôi quyết định tìm hiểu và trồng thử nghiệm giống cây mới. Quả cóc tuy chỉ để chế biến các món ăn vặt nhưng nhu cầu sử dụng trong các quán ăn, nhà hàng rất lớn. Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu qua sách báo, mạng internet, tôi đã lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam mua cây giống mang về trồng thử ở vườn nhà".
Lúc đầu anh Bình trồng 200 cây cóc với mức đầu tư 70.000 đồng/cây bao gồm cả chi phí phân bón lót. Tuy đã có chút kiến thức về cây giống và cách thức chăm bón nhưng anh vẫn phải chặt bỏ hơn 40 cây do cây không ra quả, các cây còn lại chậm phát triển, nhiều sâu bệnh. Theo anh Bình, cây cóc thích hợp với khí hậu nóng ẩm nên thời tiết nóng lạnh thất thường của miền Bắc là nguyên nhân khiến cây không đạt hiệu quả như mong muốn. Mặc dù vậy, vợ chồng anh vẫn không nản lòng và quyết tâm tìm cách tháo gỡ. Chị Phạm Thị Cúc, vợ anh Bình chia sẻ: “Làm nông nghiệp phải chấp nhận rủi ro. Dù thất bại bước đầu nhưng chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm. Để khắc phục khó khăn, vợ chồng tôi liên hệ mua giống tại Vĩnh Long, nơi cây cóc phát triển mạnh. Đồng thời, tìm biện pháp điều tiết lượng nước tưới để giữ ẩm cho cây vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông”.
Sau khi tính toán, vợ chồng anh đầu tư hệ thống tưới nước bán tự động có thể tưới cho cây thường xuyên để cây không phát sinh sâu bệnh làm rụng quả. Anh chị lựa chọn giống cóc Thái Lan có thể cho quả quanh năm dù mất nhiều công chăm sóc. Sau 10 tháng, cây cho thu hoạch. Thời gian đầu, anh Bình cũng phải loay hoay tìm đầu ra vì đây là loại quả mới, lại kén người mua. Sau một thời gian tự trồng, tự bán, mọi người biết tới sản phẩm của anh chị nhiều hơn. Không chỉ những khách hàng nhỏ lẻ mà nhiều thương lái ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn... cũng tìm tới đặt hàng với số lượng lớn. Hiện tại, anh chị có hơn 1.000 cây cóc trồng gối nhau trên diện tích vườn gần 1,5 ha để thuận tiện cho việc thu hái theo từng đợt. Vào chính vụ, anh Bình thu hơn 2 tấn cóc/ngày. Với giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
PV