Làm gì để xóa bỏ định kiến về hiến mô, tạng?

31/03/2018 11:04

Những năm gần đây, việc tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác được đẩy mạnh nên những "rào cản" xuất phát từ định kiến đang dần được gỡ bỏ.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể con người cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp

Nhiều người thân, bạn bè của gia đình ông Vũ Văn T. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vẫn còn nhớ vụ tai nạn thương tâm xảy ra với con trai ông 2 năm trước. Khi điều khiển xe máy tránh xe ô tô, con trai ông T. đã bị đâm vào block. Khi gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Đức thì con trai ông T. đã bị chết não. Không thể cứu chữa, các y, bác sĩ đã giải thích cho gia đình ông T. về việc người chết não có thể hiến mô, bộ phận cơ thể để cứu sống người khác và xin ý kiến, nhưng gia đình ông T. không đồng ý. Một người cháu ông T. cho biết: "Gia đình bác tôi không hiến tạng vì không muốn con trai thêm một lần đau đớn". 

Hiện nay, đại đa số người Việt Nam vẫn có suy nghĩ giống như gia đình ông T. Chị Vũ Thị H. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết: "Theo quan niệm truyền thống, việc chết không toàn thây bởi bất cứ lý do gì đều là sự đau đớn, bất hạnh cho người đã chết và cả người thân của họ. Vì vậy người ta kiêng kỵ không muốn động vào cơ thể người chết". 

Bên cạnh đó, một số người đã dần thay đổi nhận thức về hiến mô, tạng. Ông Đặng Văn Khỏe, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xóm 5, thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải (Tứ Kỳ) là người đầu tiên đăng ký hiến tạng tại xã Quang Khải. Ông Khỏe cho biết ông có quyết định này từ năm 2014. Hành động hiến tặng giác mạc sau khi chết của chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Tứ Kỳ, người đầu tiên hiến tặng giác mạc ở Hải Dương đã trở thành một tấm gương sáng cho nhiều người khỏe mạnh ở huyện Tứ Kỳ. Khi biết đến nghĩa cử cao đẹp của chị, ông Khỏe đã bàn bạc với gia đình và quyết định hiến tặng giác mạc sau khi mất. Vợ và các con của ông đều đồng tình với quyết định này. Theo ông Khỏe, quan niệm "chết toàn thây" truyền thống đến nay đã không còn phù hợp. "Giống như cháu Nga, tôi muốn để lại ánh sáng cho đời thông qua hành động hiến tặng giác mạc. Thời gian tới, tôi dự định tiếp tục đăng ký hiến tặng các bộ phận khác trong cơ thể như tim, gan, phổi...", ông Khỏe cho biết.


Ông Đặng Văn Khỏe (ngoài cùng bên trái) tích cực tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Hiện nay, nước ta có hàng nghìn người phải sống trong cảnh mù lòa, bệnh tật mong mỏi được chữa bệnh, cứu sống nhờ ghép các bộ phận cơ thể. "Rào cản" từ những quan niệm truyền thống dần được gỡ bỏ nhờ những tấm gương người thực, việc thực đã đem lại thêm nhiều tia hy vọng cho những bệnh nhân này. "Vừa qua truyền thông đưa tin việc cháu bé 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc khiến nhiều người xúc động. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền những tấm gương để người dân hiểu việc hiến tặng bộ phận cơ thể của mình khi chết đi sẽ cứu sống người khác, đó là nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng", ông Khỏe bày tỏ. Không chỉ tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng, hiện nay ông Khỏe còn trở thành một tuyên truyền viên tích cực của phong trào hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tại địa phương.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên từ năm 2014 đến nay, tại Hải Dương đã có hơn 40 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác... đã được các bệnh viện, cơ sở y tế xác nhận. Trong số hơn 40 người này, có khoảng 30% là cán bộ, tình nguyện viên của Hội CTĐ các cấp. Đây cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực nhất cho phong trào này. Đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức 2 lớp tập huấn về hiến mô, tạng, giao lưu giải đáp các câu hỏi thường gặp như hiến mô, tạng là gì, ai có thể hiến mô, tạng, quyền lợi của người hiến mô, tạng... cho 110 cán bộ CTĐ các cấp trong toàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Mừng, Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội CTĐ tỉnh cho biết nhiều người trong tỉnh đã đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể đang chờ cấp thẻ hoặc giấy xác nhận từ các bệnh viện, cơ sở y tế mà Hội CTĐ các cấp chưa thống kê được hết. "Đây là tín hiệu đáng mừng vì nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Tuy nhiên, số lượng người hiến mô, bộ phận cơ thể ở Hải Dương còn chưa cao so với các tỉnh, thành phố khác. Thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để phong trào này lan tỏa rộng rãi", chị Mừng chia sẻ. 

Từ nay đến cuối năm, Hội CTĐ tỉnh dự kiến sẽ phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn cho hơn 500 cán bộ y tế cấp tỉnh, hội viên, tình nguyện viên CTĐ cấp cơ sở để nâng cao nhận thức về vấn đề hiến mô, tạng.

VIỆT QUỲNH  

Tại Hải Dương, người có nguyện vọng đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác có thể trực tiếp liên hệ với cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hoặc hiến xác để biết được thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và thủ tục đăng ký hiến xác. Người dân cũng có thể liên hệ với cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp tại Hải Dương để đăng ký với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để xóa bỏ định kiến về hiến mô, tạng?