Làm gì để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp?

28/12/2018 07:08

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 20.000 doanh nghiệp (DN). Riêng năm 2019 phát triển thêm 2.500 DN. Để đạt mục tiêu này, các sở, ban, ngành cũng như các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cơ sở sản xuất hành tỏi Thư Mùi (Nam Sách) vừa phát triển lên mô hình doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn

Khả thi

Đánh giá về chỉ tiêu số lượng DN cần phát triển trong năm 2019 và đến năm 2020, ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa khẳng định Hải Dương hoàn toàn có thể đạt được. Theo ông Nghệ, năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều hộ kinh doanh thấy được thuận lợi đó nên cũng muốn phát triển lên quy mô DN. Số lượng các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Hải Dương chưa nhiều, mới chiếm khoảng 8% tổng số DN. Trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này không phải là ít. Để có thể vay được nhiều vốn và sản xuất bài bản, rất nhiều hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang có nhu cầu phát triển thành DN. Chưa kể các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, chỉ cần phát triển các DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển DN mà tỉnh đã đặt ra.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua, số lượng DN mới tăng nhanh. Năm 2016, số DN mới thành lập tăng hơn 15% so với năm 2015; năm 2017 tăng gần 25% so với năm 2016; năm 2018 tăng 12,2% so với năm 2017. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 13.000 DN. Như vậy, bình quân 138 người dân có 1 DN, cao gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 50.000 hộ kinh doanh, chỉ cần 20% số hộ này tăng quy mô, phát triển thành DN thì mục tiêu có 20.000 DN vào năm 2020 dễ hoàn thành vượt mức.

Mặc dù số DN mới thành lập đều tăng qua các năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do đa phần các hộ kinh doanh gặp khó khăn về nguồn vốn, khả năng quản trị điều hành còn thấp, việc tiếp cận mở rộng thị trường, tăng thị phần chưa tốt. Vì vậy, không ít hộ kinh doanh vẫn còn ngần ngại khi phát triển thành DN. Để khắc phục các ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp hộ kinh doanh tự tin phát triển lên DN. Ông Vũ Huy Cường, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) chỉ rõ một thực tế hiện nay là mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập tăng qua các năm; quy mô vốn đăng ký cũng tăng nhưng số DN giải thể, ngừng hoạt động cũng không nhỏ. Các hộ kinh doanh vẫn ngần ngại, lo sợ phát triển lên quy mô DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Cường cho rằng ngoài quan tâm phát triển số lượng, tỉnh cần chú trọng chất lượng DN. Có như vậy mục tiêu đạt được mới bền vững.


Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ hộ kinh doanh đầu tư máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển lên doanh nghiệp

Coi trọng chất lượng

Mục tiêu phát triển DN của Hải Dương đến năm 2020 nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Vũ Văn Huy, cử tri ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) đề nghị các ngành chức năng cần làm tốt vai trò kiến tạo, quan tâm xây dựng bộ máy công quyền từ mệnh lệnh hành chính sang hỗ trợ DN. Việc phát triển số lượng DN phải đi cùng với chất lượng.

Tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng DN trong năm qua, nhiều kiến nghị của DN đã được giải quyết, qua đó tạo thêm động lực cho nhiều hộ kinh doanh quyết tâm nâng tầm quy mô hoạt động, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng nếu chỉ ra được nguyên nhân vì sao các hộ kinh doanh ngại phát triển lên DN và giải quyết được những khó khăn của các hộ kinh doanh và DN thì mục tiêu đó sẽ thành công. Năm qua, tỉnh đã nghiêm khắc chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế khiến điểm số PCI thấp. Từ đó quyết liệt đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục. Một tin vui đối với cộng đồng DN và hộ kinh doanh là thời gian tới phí đăng ký kinh doanh lần đầu có thể sẽ được miễn. Số tiền tuy không lớn nhưng đã cho thấy bước đầu các hộ kinh doanh được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương rà soát, thống kê những hộ kinh doanh đang sử dụng từ 10 lao động trở lên, vận động, hướng dẫn họ đến cơ quan đăng ký kinh doanh để được hỗ trợ tối đa các thủ tục thành lập DN. Đầu tháng 12 này, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, quản lý đất đai, môi trường, đăng ký kinh doanh... “Một trong những khó khăn lớn nhất của các hộ kinh doanh khi phát triển lên DN là nguồn vốn. Do đó, tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển lên DN. Quan trọng hơn là phải tích cực đưa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vào thực tiễn. Cơ quan công quyền phục vụ DN hiệu quả và thực chất hơn”, ông Nghệ đề xuất.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp?