Theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân khoảng 7,5%/năm.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là đòi hỏi cấp thiết. Ảnh: BÙI XUÂN HÀO
Mặc dù được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh nhất khu vực nhưng đây là một thách thức lớn khi hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động không bảo đảm với hàng loạt vấn đề cần được mổ xẻ và cải cách.
“Nóng” bài toán năng suất quốc gia
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo tỉ giá hiện hành), cao gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011 - 2018, riêng giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động Việt Nam đạt 11.142 USD, bằng 7,3% Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia, 55,9% của Philippines… Vì vậy, “cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. Kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều tập trung đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước, trong đó nhấn mạnh đến phát triển khoa học và công nghệ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cũng chỉ ra rằng chất lượng của nguồn nhân lực ở Việt Nam đang là một thách thức khi Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học. “80 - 85% doanh nghiệp (DN) phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nền kinh tế chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số mà chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản” - TS Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Còn theo ThS Phạm Quang Khánh - Khoa Kinh tế cơ sở, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp, số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, trong khi thứ hạng chỉ số lao động có chất lượng của Việt Nam còn đứng ở vị trí thấp. “Ví dụ điển hình là ngành CNTT, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên CNTT ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Theo các bản báo cáo của Vietnamworks, có gần 15.000 nhân sự trong ngành CNTT Việt Nam được tuyển dụng trong năm 2016; đến cuối năm 2018, ngành này thiếu hụt khoảng 70.000 người và đến năm 2020 sẽ là 500.000 người” - ông Phạm Quang Khánh nêu ví dụ.
Không để chất lượng nguồn nhân lực là rào cản tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, cần xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội… để đến năm 2030, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Về nội dung đào tạo, cần đẩy mạnh phương thức giáo dục đào tạo nghề kép “gắn xưởng với trường” và rút ngắn thời gian đào tạo đại học chuyên ngành (ví dụ chỉ cần 2 năm) để bắt kịp xu thế thay đổi của công nghệ và đáp ứng nhanh yêu cầu về nguồn cung lao động chất lượng cao, chú trọng các chương trình ưu tiên STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học)...
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp (DN) tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, trong khi hộ kinh tế gia đình chiếm đến 30% GDP. Do đó, việc nâng cao năng suất ở khu vực này, với 5,1 triệu hộ kinh doanh và 9 triệu lao động, chính là nút thắt quan trọng trong việc nâng cao năng suất của quốc gia. Nếu nâng cao năng suất khu vực này sẽ nâng cao đáng kể năng suất chung.
Một trong những giải pháp mà ThS Phạm Quang Khánh nêu ra là để có lực lượng lao động lành nghề, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên được vừa học, vừa làm trong môi trường thực tế. Hiện rất ít công ty có chiến lược nuôi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ năm thứ 2 - 3 và có kế hoạch cho sinh viên vào làm linh hoạt. Ngược lại, các trường cũng chỉ tập trung vào công tác đào tạo chứ chưa quan tâm nhiều đến việc hợp tác với DN. Do đó, cần tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của DN thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường gắn rất chặt với DN...
Mới đây, tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nêu nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, trong đó nhấn mạnh 2 khuyến nghị: một là, Chính phủ cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia; hai là, phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế.
Theo báo Lao động