Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua không ít người lao động gặp khó khăn, giảm sút hoặc không có thu nhập.
Lao động tự do nếu không có việc làm ổn định, không được hỗ trợ thì cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không nhiều (ảnh minh họa)
Khó khăn trước mắt đã làm cho nhiều người không thể nghĩ đến chuyện lâu dài và họ tính đến phương án hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Theo thống kê của BHXH Việt Nam tính đến tháng 10 năm nay, số người rút BHXH một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo con số này có thể tiếp tục tăng cao. Trong số này chắc chắn có không ít người thuộc nhóm lao động tự do khó khăn.
Việc cần bàn là làm thế nào để người khó khăn không rút BHXH một lần. Điều người lao động cần là thu nhập và chính sách đóng BHXH phù hợp để tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài.
Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tham gia nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này. Đại biểu đề nghị sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 28, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân. Sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 28. Sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện gồm lao động làm việc theo hợp đồng, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm...
Theo tôi, quan trọng nhất là cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành trong việc chung tay tháo gỡ những khó khăn, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới. Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh càng phải phát huy cao tính chủ động, khả năng thích ứng linh hoạt, an toàn để bảo đảm điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, tạo thu nhập cho người lao động.
Điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí cũng đang là điều kiện bó buộc đối với nhiều người tham gia BHXH. Những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách bảo hiểm chưa thực sự thay đổi đang khiến nhiều người thay đổi cách nghĩ, không tiết kiệm, tích lũy bằng mọi giá. Nhiều người lao động có nhu cầu đóng trước bảo hiểm khi họ đang sung sức, có điều kiện để sau đó họ được quyền nghỉ hưu sớm. Vì vậy, đa số người lao động đồng tình với đề xuất giảm khoảng thời gian này xuống còn 10 - 15 năm hoặc BHXH cần thiết kết hợp, cải tiến với các dạng thức bảo hiểm khác đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người tham gia…
Nhiều chính sách đã được thực hiện để hỗ trợ người lao động trong cả nước, nhưng số người khó khăn vẫn còn rất nhiều. Vận động được một người lao động tham gia BHXH đã khó, nhưng việc giữ chân họ lại càng khó khăn hơn. Để người lao động không rút lui khỏi hệ thống BHXH thì ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, cần có nhiều hơn nữa những chính sách, hoạt động trợ giúp, hỗ trợ trực tiếp, thiết thực... Làm được điều này mới khẳng định hết giá trị nhân văn của chính sách BHXH đối với người dân.
THU MINH (TP Hải Dương)