Ngoài khai thác thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, Hải Dương đặt mục tiêu khai thông những thị trường mới nhằm tạo thêm nhiều việc làm...
Nhờ thu nhập từ xuất khẩu lao động, nhiều hộ dân ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) có cuộc sống
sung túc, xây được nhà cao tầng khang trang
Năm 2015, số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong toàn tỉnh vượt gần 2,1 lần so với kế hoạch. Năm nay, ngoài khai thác thị trường truyền thống, tỉnh đặt mục tiêu khai thông những thị trường mới nhằm tạo thêm nhiều việc làm từ hoạt động này.
Khai thác tốt thị trường truyền thống Tại huyện Cẩm Giàng, con số hơn 900 người đi XKLĐ đã vượt 51% kế hoạch và tăng 44% so với năm 2014. Trong năm 2015, xã Tân Trường có nhiều người đi XKLĐ nhất huyện (180 người), tiếp đó là xã Đức Chính (161 người), Ngọc Liên (87 người)... 3 nước và vùng lãnh thổ gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là thị trường XKLĐ chính, chiếm 88% tổng số người đi XKLĐ trong toàn huyện. Giải thích nguyên nhân số lượng người đi XKLĐ tăng cao, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: "Trong năm, Phòng LĐTBXH đã phối hợp với một số công ty XKLĐ tuyên truyền, hỗ trợ cho những lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những doanh nghiệp được Phòng LĐTBXH giới thiệu. Ngoài ra, một bộ phận người lao động tự kết nối với những người đã đi XKLĐ trước đó để tự đi".
Những năm qua, xác định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là cách làm hiệu quả để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nên huyện Tứ Kỳ đã quan tâm mở nhiều lớp dạy nghề cho người lao động (NLĐ), nhất là những công việc mà các thị trường đang có nhu cầu cao như cơ khí, may mặc, giầy da, xây dựng... Huyện lựa chọn những công ty môi giới, tuyển dụng có uy tín để giới thiệu cho NLĐ. Trong 5 năm qua, huyện có gần 1.500 người đi XKLĐ, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Riêng năm 2015, huyện có 670 người đi XKLĐ. Nét mới trong XKLĐ năm 2015 là người dân đi theo hình thức vừa học, vừa làm ở Nhật Bản. Người dân đi theo cách này giảm được chi phí, vừa có điều kiện học tập nâng cao năng lực, vừa có thu nhập.
Nhiều năm nay, xã Tái Sơn luôn là một trong những địa phương có số lượng người đi XKLĐ nhiều nhất huyện Tứ Kỳ. Từ XKLĐ, nhiều gia đình có thu nhập cao, góp phần làm giàu cho quê hương. Về Tái Sơn bây giờ, chúng tôi thấy những ngôi nhà cao tầng, khang trang xuất hiện ở khắp các thôn xóm, trong đó nhiều hộ xây nhà từ tiền của người thân đi lao động ở nước ngoài gửi về. Ông Phan Thanh Tân ở thôn Trung Sơn cho biết: "Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Từ năm 1998, gia đình tôi cho người con trai lớn đi lao động ở Nga và Malaysia. Tính tới nay, nhà tôi có 2 con trai, 1 con gái và 1 con dâu đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại, 3 người con đã hết thời hạn lao động về nước, chỉ còn người con trai út đang ở Đài Loan. Nhờ chăm chỉ làm việc ở nước ngoài, cuộc sống của gia đình tôi và của các con tôi ngày một khấm khá. Năm 2015, gia đình tôi mua đất, xây nhà mới trị giá gần 900 triệu đồng".
Có thể thấy rằng, kết quả tích cực trong XKLĐ năm 2015 trước hết do đây là một kênh tạo việc làm cho thu nhập cao nên được nhiều NLĐ lựa chọn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho NLĐ như giới thiệu doanh nghiệp làm dịch vụ XKLĐ có uy tín cho người dân; hỗ trợ về đào tạo nghề, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc ở nước ngoài... Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ XKLĐ như yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ; công khai các quy định về tuyển chọn, các khoản thu, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên; sau mỗi đợt tuyển phải thông báo cho địa phương danh sách người được xuất cảnh, lý do những người chưa được đi... Những biện pháp này góp phần giúp người dân yên tâm đi XKLĐ.
Giúp lao động đi Mỹ, Canada...Trong những năm qua, việc đưa người đi XKLĐ chủ yếu tập trung ở các thị trường chính là Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu XKLĐ cho 3.700 người. Ngoài khai thác tốt các thị trường truyền thống, tỉnh đề ra nhiệm vụ đưa NLĐ tham gia nhiều hơn vào thị trường các nước khác như Mỹ, Canada, Australia, Ả Rập Xê Út...
Công ty CP Kim Cương HDVN (TP Hải Dương) tư vấn cho thanh niên du học và xuất khẩu lao động
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về XKLĐ; giới thiệu cho các địa phương những doanh nghiệp XKLĐ có uy tín và có nhiều đơn hàng lớn đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thẩm định. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường lao động ngoài nước, tăng cường đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, giáo dục để nâng cao ý thức kỷ luật của NLĐ trước khi xuất ngoại. Các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ về vay vốn, dạy nghề, ngoại ngữ, pháp luật, các thủ tục hành chính...
Theo ông Vũ Văn Quân, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Tứ Kỳ, để người lao động tiếp cận được với những thị trường mới, Nhà nước cần tích cực xúc tiến mở rộng thị trường ở những nước có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện lao động của Việt Nam. Các cấp, các ngành của tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn để người dân nâng cao hiểu biết, nắm bắt được nhu cầu việc làm của mỗi quốc gia. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có sự kiểm tra, rà soát để giới thiệu những tổ chức có uy tín về tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương.
NINH TUÂN - DANH TRUNG