Làm gì để không “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”?

16/05/2019 10:04

Tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” đang làm ảnh hưởng tới chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 lần thứ nhất ngày 18.4

Những năm qua, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Dù vậy, công tác triển khai, thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm. “Trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” đang làm ảnh hưởng tới chỉ số PCI của Hải Dương.

Chỉ số PCI tiếp tục giảm

Năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển. Đồng thời giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo Tổ PCI của tỉnh tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, UBND cấp huyện trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, sự chuyển biến của nhiều sở, ngành, địa phương còn rất chậm.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018 chỉ số PCI của tỉnh đạt 60,98 điểm, tăng 0,62 điểm so với năm 2017, xếp thứ 55 trong cả nước (giảm 6 bậc so với năm 2017). So với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, PCI của Hải Dương xếp thứ 10/11 và nằm trong nhóm trung bình thấp của cả nước. Trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI năm 2018, Hải Dương có 7 chỉ số tăng điểm và 3 chỉ số giảm điểm. Trong 3 chỉ số giảm điểm có 2 chỉ số giảm điểm có trọng số cao (20%) và giảm nhiều điểm là chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN (giảm 0,7 điểm) và chỉ số đào tạo lao động (giảm 0,57 điểm). Ngay sau khi chỉ số PCI năm 2018 được công bố, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương báo cáo, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan đến các chỉ số PCI. 

Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các sở, ngành, địa phương, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết phần lớn các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa coi trọng việc nâng cao chỉ số PCI. Nhiều cơ quan chưa xác định trách nhiệm của mình đối với kết quả các chỉ số PCI. Các cơ quan được tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo đề án và văn bản chỉ đạo của tỉnh chưa tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của một số sở, ngành và huyện chưa tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá những tồn tại và nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình. Phần lớn trong báo cáo đều giải trình những hạn chế là do khách quan. Việc thông tin, báo cáo của một số sở, ngành với các bộ, ngành Trung ương chưa thường xuyên, kịp thời...

Tại hội nghị đối thoại với cộng đồng DN trong tỉnh năm 2019 vào tháng 4 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đã khẳng định việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”.


Dự án của Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways bị vướng mắc về thủ tục đất đai nhiều tháng nay nhưng chưa được giải quyết

Cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân

Để chấm dứt "giữa lạnh”, nhiều DN cho rằng UBND tỉnh cần kiên quyết xử  lý đối với những tập thể, cá nhân làm giảm thứ hạng PCI. Cần chỉ rõ từng đơn vị, cá nhân đã được giao nhiệm vụ liên quan đến cải thiện chỉ số PCI nhưng không thực hiện hoặc làm chưa tốt. Nếu tập thể, cá nhân để giảm điểm hoặc không tăng điểm đối với các chỉ số thành phần liên quan tới ngành, đơn vị mình thì phải kiểm điểm nghiêm khắc. Tỉnh cần có biện pháp rà soát cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc cho các DN nhưng năng lực chuyên môn hạn chế, ý thức trách nhiệm và hiệu quả công việc thấp, thậm chí có biểu hiện gây bức xúc cho người dân, DN. Những trường hợp này cần kiên quyết điều chuyển hoặc xử lý nghiêm. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc điều hành Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways ở phường Chí Minh (TP Chí Linh), hiện nay các sở, ngành, địa phương chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt nên chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc cho DN. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính chưa chặt chẽ. Cùng một nội dung, một công việc nhưng phải tổ chức nhiều cuộc họp. Ví dụ, các thủ tục về đất đai liên quan đến dự án của công ty đã kéo dài nhiều tháng nay nhưng không thấy có cơ quan nào giám sát, chỉ đạo thực hiện. Để tạo thuận lợi cho DN thực hiện dự án nhanh chóng, ông Cường cho rằng khi nhà đầu tư đề xuất dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu tổ chức họp trực tuyến hoặc trực tiếp với các sở, ngành liên quan để giải đáp vướng mắc cho DN, sau đó có văn bản trả lời trong 3 ngày làm việc. Các ngành chức năng cần quy định rõ thời gian trả lời văn bản của DN và giao trách nhiệm cụ thể cho người trả lời. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho rằng tỉnh cần sớm triển khai việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, cấp huyện. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ, lâu dài nhất để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thông qua việc đánh giá này sẽ giúp tỉnh xác định rõ "vùng lạnh, vùng nóng” để chỉ đạo kịp thời, dứt điểm. Các địa phương có chỉ số PCI cao đều đã đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành từ nhiều năm nay.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để không “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”?