Để tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định EVFTA mang lại, ngoài sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp còn cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan chức năng của tỉnh.
gành sản xuất giày da của Hải Dương là một trong những ngành hàng được hưởng lợi lớn từ Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng trong phát triển thị trường xuất khẩu sang EU.
Doanh nghiệp chủ động
Theo đánh giá của chuyên gia và các nhà quản lý kinh tế, cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang đến cho Việt Nam khá toàn diện. EU đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU...
Hải Dương có một số mặt hàng chủ lực được hưởng lợi lớn từ hiệp định này như dệt may, da giày, rau quả. Theo cam kết, 42,5% dòng thuế hàng dệt may vào EU được giảm ngay về 0%, phần còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm tới; 37% dòng thuế da giày vào EU về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể; 94% dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Hải Dương như vải, nhãn, dưa... được xóa bỏ ngay.
Dù ưu đãi lớn, cơ hội tốt nhưng để tiếp cận thị trường EU, các DN Hải Dương còn gặp nhiều rào cản. Theo đánh giá của Sở Công thương, phần lớn DN trong tỉnh đang xuất khẩu vào EU là các DN vừa và nhỏ. Nguồn lực DN hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu và phát triển thị trường. DN thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để xuất khẩu.
Để tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định EVFTA mang lại, DN của tỉnh cần chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương cho biết DN nhỏ và vừa cần coi Hiệp định EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác cùng hưởng các ưu đãi của hiệp định nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Chính quyền chung tay
Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương khẳng định Hiệp định EVFTA đem lại cơ hội lớn cho các DN trong tỉnh. DN có tiềm năng và muốn xuất khẩu các sản phẩm vào EU phải tự hoàn thiện mình, nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN tiếp cận, hội nhập với thị trường EU.
Công ty TNHH Nam Lee International ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) được thành lập từ tháng 6.2008, chuyên may trang phục nữ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ. Mỗi năm, công ty này đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 30 - 40 triệu USD.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Nam Lee International, việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sang EU của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Công ty mong muốn được cơ quan chức năng của tỉnh cung cấp, thiết lập các đầu mối thông tin về Hiệp định EVFTA, thị trường EU để công ty và các DN khác cùng ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu có điều kiện liên kết, trao đổi.
Với vai trò là cơ quan đầu mối của tỉnh trong hỗ trợ thực thi Hiệp định EVFTA tại Hải Dương, Sở Công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định này với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể.
Cùng với sự nỗ lực của DN, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tập huấn cho các cán bộ liên quan về các quy định và cam kết của Hiệp định EVFTA theo từng chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ phù hợp với cam kết quốc tế; có cơ chế hỗ trợ DN tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
LAN NGUYỄN