Để "giữ chân" được bác sĩ công tác, cống hiến lâu dài cho tuyến y tế cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng bác sĩ. Ưu tiên cử các y sĩ là người địa phương đi đào tạo bác sĩ với cam kết về phục vụ tại quê hương…
Trạm Y tế xã Đồng Gia đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn thiếu 15% danh mục thiết bị y tế |
Trạm y tế cơ sở là mắt xích quan trọng trong hệ thống y tế. Đây là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, là cầu nối đưa các chương trình y tế quốc gia tới người dân. Với vai trò quan trọng đó, trạm y tế cần những người “đứng mũi chịu sào” có trình độ chuyên môn vững vàng. Điều nghịch lý là hệ thống y tế trong tỉnh càng phát triển thì số bác sĩ rời bỏ tuyến y tế cơ sở càng tăng.
Được xếp vào diện bệnh viện hạng 4, được công nhận là trạm y tế đạt chuẩn quốc gia năm 2006 nhưng Trạm Y tế xã Thái Dương (Bình Giang) còn vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất. Về đây lúc 3 giờ chiều một ngày nắng nóng trung tuần tháng 6, tôi thấy các phòng làm việc của trạm đều mở tung, cán bộ y tế trực trạm phải ra vườn thuốc nam ngồi tránh nắng. Dãy nhà làm việc chính của trạm xây cách đây hơn hai chục năm, nay đã có một số phòng bị nứt tường và trần. Trạm cũng thiếu nhiều trang thiết bị y tế. Mỗi năm có khoảng 80 ca đẻ, nhưng trạm chỉ nhận đỡ được khoảng 1/3 vì không có máy hút nhớt, phải sử dụng máy thủ công đạp bằng chân. Tủ thuốc của trạm lèo tèo, trống hoác. Chị Vũ Thị Thuý, Trưởng trạm phân bua: “Lẽ ra thuốc phải được bảo quản trong nhiệt độ vừa phải. Nhưng vì trạm không có thiết bị làm lạnh nên phải dùng quạt điện để giảm hơi nóng. Hơn 2 tháng nay xã bị cắt điện luân phiên, có hôm mất điện tới 22 giờ nên trạm phải “sơ tán” thuốc đến nơi khác để tránh hư hỏng. Một số dụng cụ khác như ghế xoay phục vụ các ca đặt vòng, đèn pha… cũng đã bị hỏng. Mỗi ca trực đêm, cán bộ của trạm chỉ được hưởng 5 nghìn đồng…” Có lẽ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị quá thiếu thốn, thu nhập èo uột đã khiến bác sĩ đang công tác tại trạm bỏ việc “dứt áo ra đi” vào cuối năm 2009. Theo quyết định của Bộ Y tế, chỉ có bác sĩ và y sĩ mới được phép khám bệnh, kê đơn, ra y lệnh. Nhưng do bác sĩ bỏ việc nên hằng ngày trạm trưởng kiêm nữ hộ sinh Vũ Thị Thúy vẫn buộc phải làm những việc vượt quá khả năng chuyên môn của mình, vừa làm vừa nơm nớp lo trách nhiệm.
Trạm Y tế xã Đồng Gia (Kim Thành) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi về trạm xây dựng xong chuẩn quốc gia y tế (trạm được công nhận đạt chuẩn vào năm 2005), bác sĩ của trạm đã ra đi để lại nhiều món “nợ” chuẩn khó trả. Anh Đỗ Quảng Nam, y sĩ phụ trách trạm cho biết: Trạm còn thiếu khoảng 15% số trang thiết bị so với danh mục do Bộ Y tế quy định. Theo chuẩn, lẽ ra trạm phải có máy siêu âm xách tay, kính hiển vi, máy xét nghiệm thông thường…, nhưng đã 5 năm sau ngày đạt chuẩn, những món “nợ” chuẩn vẫn chưa được trả. Chính vì thiếu trang thiết bị nên trạm chỉ đảm nhận được khâu sơ cứu các bệnh thông thường, những vết thương phần mềm còn các kỹ thuật phức tạp hơn đều phải chuyển tuyến. Nhiều bệnh thông thường, cán bộ của trạm có khả năng xử lý nhưng vì không có trang thiết bị nên trạm vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên như một số bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp… Kể cả nếu có bác sĩ, những kỹ thuật trên cũng không thể thực hiện được tại trạm vì thiếu máy móc. Bình quân, mỗi tháng trạm phải chuyển tuyến 30-50 lượt bệnh nhân.
Đạt chuẩn từ năm 2006 nhưng Trạm Y tế xã Đại Đức (Kim Thành) vẫn không đủ sức "níu chân" bác sĩ. Đã từng có 2 bác sĩ công tác tại trạm nhưng chỉ được một thời gian, họ lại lặng lẽ ra đi. Y sĩ Nguyễn Văn Chuyên, phụ trách trạm cho biết: “Điều kiện tại trạm y tế cơ sở quá thiếu thốn nên các bác sĩ không có điều kiện vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn”. Xã cách trung tâm huyện hơn 10 km, cách trung tâm tỉnh hơn 30 km. Trạm y tế xã lại là nơi người dân tìm tới đầu tiên mỗi khi có bệnh. Mặc dù vậy, trạm chỉ có những trang thiết bị thô sơ như máy hút nhớt để chăm sóc trẻ sơ sinh và các dụng cụ khám, chữa bệnh thông thường. Máy móc vừa cũ, vừa không đồng bộ. Nhiều hoạt động phải lồng ghép như phòng khám thai chung với phòng khám phụ khoa, phòng thực hiện KHHGĐ chung với phòng đẻ, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Mức thu nhập của cán bộ y tế cơ sở bình quân 1-2 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập của cán bộ cùng chuyên môn tương tự nhưng ở cấp huyện, cấp tỉnh có thể gấp đôi…
Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 bác sĩ ở huyện Bình Giang lần lượt rời bỏ trạm y tế cơ sở. Huyện Kim Thành mới chỉ có 15 trong số 21 trạm y tế xã có bác sĩ, một số bác sĩ có xu hướng bỏ việc. Đó là tình cảnh chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh. Mục tiêu đặt ra trong đề án “Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” là đến năm 2005 có 100% số trạm y tế cơ sở trong tỉnh có bác sĩ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến tháng 6-2010, toàn tỉnh mới chỉ có 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Nhiều bác sĩ đã tự ý bỏ việc hoặc xin luân chuyển công tác lên các tuyến trên. Đỉnh điểm của tình trạng “chảy máu” bác sĩ ở tuyến xã là năm 2007, với 12 bác sĩ rời xã, trong đó có 6 người chuyển khỏi ngành y tế. Theo ông Hoàng Bá Trung, Phó Trưởng phòng tổ chức cán bộ (Sở Y tế), nguyên nhân của tình trạng trên là do phương tiện, điều kiện làm việc ở các trạm y tế xã không đáp ứng được với trình độ chuyên môn của bác sĩ, dẫn tới lãng phí những kiến thức đã được đào tạo. Thu nhập của bác sĩ tuyến xã thấp. Ngoài lương chính, hầu như bác sĩ tuyến xã không có thêm các nguồn thu nhập bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống y tế tư nhân đang nở rộ. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình phát triển đã chiêu mộ bác sĩ với mức lương hấp dẫn. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng đang thiếu bác sĩ. Bác sĩ tuyến xã bỏ việc là một thực trạng đáng lo ngại cho chất lượng công tác y tế tại cơ sở, nhất là khi phần lớn trạm y tế là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực, nhiều năm qua ngành y tế tỉnh thường xuyên phải tăng cường bác sĩ về các trạm y tế xã. Nhưng để "giữ chân" được bác sĩ công tác, cống hiến lâu dài cho tuyến y tế khó khăn nhất này, ngành y tế và các địa phương cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế cơ sở, thường xuyên đào tạo và đào tạo lại kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở. Bảo đảm mọi chế độ cho cán bộ y tế cơ sở. Tạo điều kiện cho các trạm y tế mở rộng chất lượng và số lượng các dịch vụ y tế. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng bác sĩ đang công tác tại tuyến xã. Ưu tiên cử các y sĩ là người địa phương đi đào tạo bác sĩ với cam kết về phục vụ tại quê hương…
MAI LIÊN