Làm gì để giải cứu người nuôi lợn? Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ

13/05/2017 08:08

Để khắc phục tình trạng giá lợn lao dốc thảm hại, các cấp, các ngành chức năng đã và đang khẩn trương vào cuộc đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.



>> Bài 2: Thụ động trong tiêu thụ




Công ty CP Lebio Việt Nam chi nhánh Hải Dương thu mua lợn với giá cao hơn giá thị trường,
góp phần giảm thiệt hại cho nông dân.  Ảnh: Thành Chung

Phá vỡ định hướng

Giữa năm 2016, khi giá lợn hơi tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có văn bản cảnh báo người dân phải thận trọng tái đàn nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Tiếp đó, sở đã ban hành 3 văn bản cũng liên quan đến vấn đề này. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cẩm Giàng cho biết: "Khi nhận được chỉ đạo của sở, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, đề nghị các hộ nuôi lợn phải cẩn trọng khi tái đàn. Song người dân vì lợi ích trước mắt mà phớt lờ cảnh báo".

Lý giải về việc bỏ ngoài tai những dự báo của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Phương ở xã Nam Tân (Nam Sách) cho biết: "Thông thường sau Tết bao giờ giá lợn cũng lên cao. Vì vậy, dù biết thông tin cảnh báo nhưng tôi vẫn đánh liều tái đàn mong gỡ lại khoản lỗ trước Tết. Nhiều hộ cũng chung suy nghĩ này, cho rằng giá lợn sẽ tăng trở lại như năm 2016 nên không những tái đàn mà còn mở rộng chăn nuôi để chờ tăng giá. Do chăn nuôi theo kinh nghiệm, không lường trước hệ lụy mà hiện tại chúng tôi phải ngậm ngùi nhận "quả đắng".

Chăn nuôi lợn được xác định là thế mạnh của nông nghiệp Hải Dương. Để chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả ổn định, lâu dài, từ nhiều năm trước UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển ngành theo hướng chuyên sâu. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đàn lợn, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Đồng thời chú trọng kiểm soát số lượng đàn lợn để kịp thời điều tiết theo xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, nông dân vẫn thấy lợi là làm mà không tính toán lâu dài.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để vực dậy ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng khủng khoảng, dư thừa sản phẩm như hiện nay, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn do Sở NNPTNT tổ chức ngày 5.5 vừa qua, các đại biểu tham dự đã đề cập nhiều vấn đề. Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi-Thú y tỉnh, lượng thịt lợn dư thừa hiện rất lớn nên trước mắt cần phải giải quyết hết số lợn này bằng việc tuyên truyền để các ngành chức năng, tổ chức chính trị-xã hội, HTX trực tiếp thu mua, giết mổ và bán sản phẩm giúp người chăn nuôi. Người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi bằng cách chuyển sang dùng nhiều thịt lợn và thực hiện việc cấp đông sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tái đàn, giảm ngay đàn lợn nái bằng việc thải loại những con già, chất lượng kém. Các ngân hàng có biện pháp giãn, hoãn nợ đối với những chủ trang trại đang gặp khó khăn. Ngay lúc này, nhiều doanh nghiệp cung cấp cám đã giảm giá bán, cho người chăn nuôi nợ khi mua thức ăn để họ duy trì đàn lợn.

Ông Nhữ Đình Tú, Giám đốc Công ty CP Lebio chi nhánh Hải Dương chia sẻ: Về lâu dài, để khắc phục triệt để tình trạng cung lớn hơn cầu thì việc cung cấp thông tin, định hướng thị trường cần được thực hiện tốt hơn. Cơ quan chức năng cần đưa ra được quy hoạch tổng thể để người chăn nuôi thực hiện theo. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi cho chặt chẽ, bền vững. Thực tế, mô hình này đang mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và công ty kinh doanh thực phẩm. Khi hợp tác, người chăn nuôi được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Công ty cũng biết rõ về nguồn và không lo thiếu nguyên liệu chế biến sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ được dùng các sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi thực hiện mô hình theo chuỗi liên kết, sẽ giảm được chi phí trung gian, dẫn đến giá thành giảm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Ông Tiêu Văn Thảnh ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) cho biết: "10 năm nuôi lợn, đã có lúc tôi bị lỗ vốn do giá bán xuống thấp nên thấy rằng nếu muốn chăn nuôi lớn thì phải biết liên kết, hợp tác với những nơi uy tín. Đầu năm 2016, tôi tham gia mô hình của Công ty CP Lebio. Cách đây hơn 1 tháng, công ty thu mua lợn của tôi với giá 34.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 6.000 đồng, nhờ vậy mà tôi vẫn có lãi".

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu lợn của Hải Dương còn bó hẹp, chỉ là lợn sữa và lợn choai, còn lợn thịt chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Để giải cứu ngành chăn nuôi lợn thịt thì việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu chính ngạch và đa dạng cần phải sớm thực hiện. Để làm được điều này, người chăn nuôi cần thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, phải làm ra được sản phẩm sạch, không tồn đọng dư lượng thuốc thú y, thuốc tăng trọng, được cấp các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh... Người chăn nuôi cần nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn để làm ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải làm ra sản phẩm mình có.

Do giá bán xuống thấp, tâm lý chán nản nên đã xuất hiện tình trạng người chăn nuôi bỏ đàn lợn không chăm sóc, thậm chí bỏ chuồng không nuôi. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ có thể làm cho dịch bệnh bùng phát và dẫn dến thiếu thịt lợn trong thời gian tới. Để khắc phục tình trạng này, người chăn nuôi nên có biện pháp cầm cự, không để trống chuồng, có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các cấp, các ngành chức năng cần kiên quyết chỉ đạo nông dân chăn nuôi theo quy hoạch; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để giải cứu người nuôi lợn? Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ