Làm gì để có rau, thịt an toàn?

16/04/2016 05:39

Chỉ có quản lý chặt trong sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu sản xuất thì người tiêu dùng mới có thực phẩm sạch...



Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Cẩm Giàng hướng dẫn nông dân xã Ðức Chính trồng cà rốt theo mô hình
quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm tạo ra nông sản an toàn


Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay có chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" nhằm kêu gọi cả cộng đồng tiếp tục vào cuộc để có sản phẩm rau, thịt an toàn.

Quản lý chặt từ sản xuất

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 236 tấn thuốc BVTV, trong đó có khoảng 10,5 tấn thuốc trừ cỏ, 90,5 tấn thuốc sâu, 135 tấn thuốc bệnh. Mỗi năm, người dân phải bỏ ra khoảng 235 tỷ đồng cho chi phí về thuốc BVTV. Trước năm 2000, nông dân thường phun thuốc BVTV từ 2-3 lần/vụ nhưng nay đã tăng lên 4-5 lần/vụ. Cũng theo Chi cục BVTV, cứ 100 nông dân sử dụng thuốc BVTV thì có tới 4 người không tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) dẫn đến hậu quả là sâu, bệnh kháng thuốc, môi trường ô nhiễm và tồn dư thuốc BVTV trên cây trồng. Khi biết những con số trên, nông dân Tăng Văn Ba ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) không khỏi giật mình. “Chắc đó cũng là một lý do để xã cử chúng tôi đi học lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gần đây. Các cán bộ BVTV tỉnh đã hướng dẫn cho chúng tôi biết cách sản xuất thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ môi trường, không sử dụng bừa bãi như trước”, anh Ba nói.

Ông Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Chỉ có quản lý chặt trong sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu sản xuất thì người tiêu dùng mới có thực phẩm sạch. Vì vậy, trong năm 2015, chi cục đã tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền các quy định về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn cho 250 nông dân. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến xây dựng các mô hình điểm về sản xuất sạch (SXS), chúng tôi mong muốn nông dân tỉnh ta có thể cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng ngay từ đồng ruộng".

Để có thực phẩm sạch, thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng các vùng sản xuất nông sản sạch, điển hình như bí xanh ở xã An Châu, cà chua ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương); sản xuất vải thiều VietGAP, GlobalGAP ở thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà, nuôi cá sạch ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), rau sạch ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà), nuôi lợn VietGAP ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang)... Tham gia các mô hình SXS, nông dân không chỉ thay đổi tập quán canh tác mà nông sản còn được bán tại siêu thị.

SXS không chỉ xuất phát từ phía người sản xuất mà còn phụ thuộc vào những đơn vị phân phối, kinh doanh. Khâu sản xuất đã tạo ra rau, thịt sạch vẫn cần trách nhiệm bảo đảm sản phẩm sạch trong khâu phân phối đến người tiêu dùng. Giám đốc siêu thị BigC Hải Dương Ngô Thị Minh Thu khẳng định: “Trong chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, các nhà kinh doanh có vai trò quan trọng bởi nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kinh doanh thực phẩm từ nhập nguyên liệu, truy suất nguồn gốc, bảo quản đến chế biến thực phẩm thì người kinh doanh cũng có thể gián tiếp tạo ra thực phẩm bẩn. Do đó, hiện nay những nhà cung cấp nông sản, thực phẩm cho siêu thị BigC đều được giám sát và quản lý của Trung tâm Thu mua nông sản của hệ thống. Nhà cung cấp phải có đủ các tiêu chuẩn cần thiết theo quy định của trung tâm này mới có thể đưa hàng hóa của mình bày bán trên kệ hàng của siêu thị. BigC cũng thực hiện chặt chẽ các yêu cầu về khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, kiểm soát chất lượng, nhất là hạn sử dụng trên thực phẩm tươi sống để cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn”.

"Nói không" với thực phẩm bẩn



Thịt lợn được người dân ăn hằng ngày nên cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm


Để tự bảo vệ mình, trước hết người tiêu dùng cần kiên quyết "nói không" với thực phẩm bẩn. Chị Nguyễn Thị Là ở khu 6, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Nếu người tiêu dùng quá dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm hoặc “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua phải thực phẩm bẩn thì người sản xuất và kinh doanh vẫn có cơ hội làm liều và sẽ còn nhiều người dùng khác bị ảnh hưởng. Bây giờ khi phát hiện nơi nào sản xuất hoặc buôn bán thực phẩm bẩn là tôi thông báo với cơ quan chức năng hoặc tẩy chay sản phẩm bẩn đó”.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người tiêu dùng không thể nhận diện được thực phẩm bẩn do hầu hết mua thực phẩm từ chợ, các cửa hàng kinh doanh nhỏ nên khó xác định được nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, người dân còn thiếu các thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản định kỳ lấy mẫu nông sản trên địa bàn tỉnh để gửi Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 1 phân tích chất lượng. Năm 2015, chi cục đã lấy 20 mẫu thực phẩm để giám sát chất lượng an toàn nông sản. Kết quả có 1 mẫu thịt lợn và thịt gà có chỉ tiêu E.coli vượt quá giới hạn từ 5-10 lần cho phép; không phát hiện dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc Salbutamol trong các mẫu thịt; không phát hiện mẫu rau cho dư lượng thuốc BVTV. Dự kiến, trong tháng 4, chi cục sẽ tổ chức 1 đợt lấy mẫu thực phẩm tại các chợ và đầu mối cung cấp nông sản để kiểm định. Thế nhưng, kết quả phân tích các mẫu nông sản lại rất ít được thông báo đến người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Hinh ở thị trấn Gia Lộc đề nghị: “Thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và thông tin kịp thời những nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn để chúng tôi tránh”.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm soát thị trường thực phẩm. 3 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã xử lý 6 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu là các vi phạm về hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bùi Thế Hùng cho biết: "Đơn vị đang tăng cường kiểm soát việc vận chuyển thực phẩm trên các tuyến đường như quốc lộ 5, tỉnh lộ 391 để ngăn chặn kịp thời thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc "tuồn" vào tỉnh ta tiêu thụ".

Ngoài việc nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, trang bị kiến thức nhận biết thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, thời gian tới tỉnh cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch. Ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các địa phương cần quy hoạch, hướng dẫn nông dân SXS, gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng chuỗi liên kết SXS từ trang trại đến bàn ăn. SXS phải được xác định là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để có rau, thịt an toàn?