Giải phóng quần đảo Trường Sa là một khâu trọng yếu quyết định sự trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đất nước...
Giải phóng quần đảo Trường Sa là một chiến công to lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, khâu trọng yếu quyết định sự trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đất nước.
Lâu nay, mỗi khi nghĩ về Đại thắng mùa Xuân 1975, nhiều người thường hay nghĩ tới các cánh quân với thế thần tốc dũng mãnh tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4. Nhưng ít ai nghĩ còn một hướng tiến công quan trọng nữa, một khâu trọng yếu quyết định sự trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đất nước, đấy là giải phóng quần đảo Trường Sa, diễn ra gần như đồng thời với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên bộ.
Từ cuối tháng 3-1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chỉ đạo: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương triển khai mọi công việc cho cuộc chiến đấu trên mặt trận biển đảo. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân được chuyển vào đó, vừa tiếp quản căn cứ hải quân ngụy ở đây, vừa chuẩn bị sẵn sàng triển khai chiến đấu trên biển đảo. Đầu tháng tư, giữa lúc trên đất liền quân ta thực hiện đợt tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, thì lực lượng hải quân ta cũng được lệnh tiến quân ra biển giải phóng quần đảo Trường Sa, khi ấy đang do quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng giữ. Có kinh nghiệm hơn mười năm với 169 chuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trên “đường Hồ Chí Minh trên biển”, các tàu hải quân tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa được ngụy trang giả dạng tàu đánh cá và đều xuất phát vào ban đêm, đổ bộ đánh chiếm đảo hầu hết cũng vào ban đêm. Lực lượng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa đầu tiên là ba tàu hải quân mang số hiệu 673, 674 và 675 được ngụy trang như “Đoàn tàu không số”. Đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 đặc công (nay là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nghỉ hưu tại quận Lê Chân, Hải Phòng) được giao nhiệm vụ chỉ huy giải phóng quần đảo Trường Sa.
Hải quân ta xuất phát từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đêm 10-4-1975, đảo Song Tử Tây được chọn giải phóng đầu tiên. Sau 3 ngày đêm hành quân thần tốc trên biển, đêm 13-4, biên đội tàu hải quân ta tiếp cận Song Tử Tây, đồng thời cũng phát hiện có mấy tàu chiến ngụy đang lởn vởn gần đảo. Với quyết tâm giải phóng đảo, bằng tinh thần mưu trí, sáng tạo, bất ngờ, hai tàu 674, 675 giả dạng lởn vởn đánh cá ngoài xa để nghi binh địch, chỉ một tàu 673 tìm cách tiếp cận đảo. Sau 2 giờ vật lộn với sóng nước, lực lượng đổ bộ đã tiến vào đảo, chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Đến 4 giờ 30 ngày 14-4, khi cả đảo Song Tử Tây còn chìm trong màn đêm, các chiến sĩ hải quân tàu 673 bất ngờ nổ súng, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, thay cho lá cờ của chính quyền Sài Gòn. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, với phương châm bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu, ngày 25-4 tàu hải quân ta lại tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca. Tiếp đến ngày 27-4 giải phóng đảo Nam Yết, trung tâm chỉ huy của quân ngụy trên quần đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn. Phát huy thắng lợi, ngày 28-4 hải quân ta liên tiếp đánh chiếm đảo Trường Sa, đảo An Bang, và đúng 9 giờ ngày 29-4-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ quần đảo Trường Sa, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho lực lượng hải quân, và đây cũng là chiến công to lớn nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Kỷ niệm 39 năm Chiến thắng 30-4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại một trang sử hào hùng của Hải quân ta nói riêng, nhân dân ta nói chung trong trận chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa những ngày tháng Tư năm 1975 không thể nào quên. Mỗi người chúng ta càng thấy quý yêu hơn, trân trọng hơn biển đảo Tổ quốc ta nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng, quyết tâm xây dựng và giữ gìn vùng biển đảo giàu đẹp, anh hùng của Tổ quốc.
DIỆU THU