Làm cây thông thông minh cao 11m, hiệu trưởng bị tố lãng phí

14/12/2019 09:10

Cây thông thông minh trang trí trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sắp hoàn thiện, nhưng hiệu trưởng nhà trường đang bị tố là lãng phí.

Cây thông thông minh khổng lồ đặt trước tòa nhà trung tâm Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện vào ngày 14.12 nhưng hiện có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Đ.D

"Trong quá trình thực hiện, sinh viên học được nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết. Các em chỉ làm buổi tối để không ảnh hướng việc học. Các em tham gia làm cây thông này được trả thù lao đàng hoàng, 30.000 đồng/giờ"

TS Trần Thanh Thưởng

Làm cây thông trang trí theo triết lý giáo dục của trường

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - đã 4 năm nay, năm nào nhà trường cũng cho phép và hỗ trợ sinh viên trang trí cây thông thông minh dịp năm mới với nhiều mục đích theo triết lý giáo dục của nhà trường: làm đẹp ngôi trường và sinh viên tự hào về ngôi trường của mình; giúp sinh viên quốc tế nhớ ngày Tết quê mình, đồng thời nhà trường cũng dần hội nhập với thế giới; tạo điều kiện cho sinh viên các chuyên ngành khác nhau thỏa sức sáng tạo...

"Cây thông năm nay được thiết kế, thi công bởi chính sinh viên của nhiều ngành cơ điện tử, tự động hoá, kỹ thuật điều khiển, kỹ nghệ gỗ, kiến trúc, in, đồ họa... Đó chính là hợp tác đa ngành trong kỷ nguyên số", ông Dũng nhấn mạnh.

Cây thông thông minh này cao đến 11m, do khoảng 20 sinh viên làm và được bố trí ngay trước tòa nhà trung tâm của trường. Cây thông có hệ thống điều khiển 64 kênh, được lập trình phối hợp với nhiều phương án phát sáng đèn LED khác nhau, có thể thay đổi màu và cường độ ánh sáng theo nhạc, theo giờ.

TS Trần Thanh Thưởng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên - cho biết thêm kinh phí để làm cây thông thông minh này khoảng 45 triệu đồng, do nhà trường và các cựu sinh viên hỗ trợ. Sinh viên sẽ lập trình cho ánh sáng LED nhảy múa trong bữa tiệc ánh sáng và theo nhạc cho cây thông này.

"Cây thông như hoa đào, hoa mai ngày Tết"

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến trên Fanpage của trường cho rằng: "Ban giám hiệu nên bỏ cây thông đi, đừng có lấy cớ đó để truyền đạo. Nhà trường cần dạy học đàng hoàng, dạy đạo đức cho sinh viên thay vì đi làm cây thông lãng phí này".

Về điều này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết năm mới luôn rơi vào thời điểm lạnh nhất của mùa đông các nước ôn đới ở Bắc bán cầu. Khi chưa có nhà kính để trồng hoa, người dân vào rừng chặt thông tươi, đem về nhà trang trí trong những ngày Tết dương lịch.

Người Ả Rập, La Mã bắt đầu dùng thông trang trí năm mới cách đây chừng 3.000 năm. Đến thế kỷ 16, người Đức bắt đầu phong trào dùng thông tươi trang trí năm mới và ngày nay gần như tất cả các nước trên thế giới đều trang trí năm mới dương lịch bằng thông nhưng chỉ ở các nước vùng xứ lạnh mới đủ thông tươi để cung cấp cho người dân. Các nước vùng nhiệt đới thường dùng thông giả.

"Cây thông ngày Tết dương lịch ở các nước phương Tây cũng giống như hoa đào, hoa mai ngày Tết Nguyên đán của người Việt. Nó còn tượng trưng cho Trường Xuân (evergreen) vì màu xanh mãi mãi cả trong mùa đông lạnh giá.

Do vậy, cây thông trang trí năm mới tại trường chúng tôi là thông nhưng không phải là thông. Nó là sản phẩm công nghệ sáng tạo của sinh viên", ông Dũng khẳng định.

Phạm Xuân Chiến - sinh viên năm cuối khoa đào tạo chất lượng cao, tỏ ra rất thích thú với cây thông đang dần được hoàn thiện tại trường mình.

"Thực tế hiện nay ở nước ta, đến dịp Giáng sinh và năm mới, không chỉ người theo đạo Thiên Chúa mới trang trí cây thông, rất nhiều trung tâm thương mại, người không theo đạo vẫn trang trí cây thông này.

Chúng tôi sắp tốt nghiệp nên khi biết cây thông này sẽ được để ở trường đến rằm tháng Giêng chúng tôi rất vui vì rất muốn chụp cảnh lưu niệm với cây thông này trong ngày tốt nghiệp", Chiến nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Làm cây thông thông minh cao 11m, hiệu trưởng bị tố lãng phí