Ở bất kỳ giai đoạn nào, điểm chung của các thế hệ phóng viên Báo Hải Dương là ngọn lửa nghề luôn cháy sáng.
|
Trong chuyến tác nghiệp ở Trường Sa, nhà báo Đinh Ngọc Hùng (ngoài cùng bên phải) đã mang báo Hải Dương tới các chiến sĩ và có nhiều bài viết kịp thời gửi về đăng trên báo. Ảnh: Nguyên Dã |
Đạp xe trăm cây số để lấy thông tinNhà báo Nguyễn Hữu Phách - một trong những phóng viên đầu tiên của Báo Hải Dương mới kể, thời kỳ đầu làm báo khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Phóng viên viết tin, bài chỉ có “giấy trắng mực đen”, nếu viết sai hoặc chưa ưng ý phải ngồi viết lại. Chiếc xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến nhất đối với ông Phách cũng như các phóng viên khác. Được giao theo dõi lĩnh vực nông nghiệp nên gần như tuần nào ông Phách cũng phải đạp xe xuống các huyện trong tỉnh 2-3 lần để lấy thông tin. Chiếc xe đạp Hữu Nghị mà ông mua từ ngày mới về cơ quan công tác đã theo ông rong ruổi khắp nơi để “săn” tin, viết bài. Một lần ông Phách và ông Nguyễn Kỳ (sau là Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương) mỗi người đi một xe đạp từ thị xã Hải Dương về Đông Triều (Quảng Ninh) có việc. Tiện đường 2 người ghé qua huyện Kim Thành thăm vợ ông Phách mới đẻ. Vì công việc nhiều nên chỉ được chốc lát 2 anh em lại phải đạp xe về huyện Tứ Kỳ lấy thông tin. Về tới nơi cũng vừa lúc trời tối, 2 người chỉ kịp ăn bát cơm rồi quay sang ngồi viết bài dưới ánh đèn dầu leo lét. Ngày hôm đó tính ra quãng đường cũng cả trăm km. “Thời bấy giờ không có sẵn điện thoại như bây giờ. Cả cơ quan chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại bàn. Phóng viên khi xuống cơ sở, nếu có việc cần báo cáo, xin ý kiến thì gần như chẳng có cách nào liên hệ về cơ quan”, ông Phách cho biết.
Thời kỳ còn là tỉnh Hải Hưng, phương tiện đi lại cũng khó khăn không kém, rất ít phóng viên có xe máy. Phần đông vẫn đi tác nghiệp trên chiếc xe đạp cọc cạch. Đường gần không sao, đường xa thì vô cùng vất vả, nhất là những hôm trời nắng rát, mưa dầm. Chồng đi bộ đội, mỗi lần xuống cơ sở, nhà báo Đặng Việt Ánh - nguyên Trưởng phòng Chính trị - Xã hội Báo Hải Dương phải dậy từ 4 giờ sáng để gửi con cho cô giáo, rồi đạp xe xuống cơ sở. 7-8 giờ sáng tới nơi, sau khoảng 3 tiếng lấy thông tin, ăn trưa, bà lại vội vàng đạp xe quay trở lại thị xã để kịp giờ đón con buổi chiều. Lắm khi xuống cơ sở không gặp người cung cấp thông tin, bà Ánh phải đợi đến tận buổi chiều mới gặp được họ. Những hôm như thế, về đến nhà trời đã tối mịt, lo cơm nước, tắm giặt cho con xong bà lại miệt mài ngồi viết bài tới khi trời tảng sáng.
Bữa cơm hằng ngày của họ toàn nấu bằng ngô, lạc. Phóng viên xuống họ quý nên mới nấu thêm với gạo.
|
|
Tuy thiếu thốn, khó khăn là vậy nhưng làm báo thời trước cũng có nhiều lợi thế. Do còn ít cơ quan báo chí và các loại hình báo chí khác chưa phát triển nên báo Hải Dương được nhiều bạn đọc đón đợi. Phóng viên khi xuống cơ sở được lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trân trọng, đối đãi như người nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho tác nghiệp. Bà Việt Ánh nhớ lại: “Một lần về một xã của huyện Châu Giang viết bài, tôi được chính quyền và bà con mời ăn cơm trưa. Đến bữa tôi thấy trong nồi cơm chỉ có 1 phần gạo, còn lại độn 2 phần ngô, khoai. Canh và các món khác cũng được chế biến bằng mầm đỗ. Hỏi ra mới biết năm đó lúa mất mùa, bà con chỉ trồng được đỗ, lạc, ngô. Bữa cơm hằng ngày của họ toàn nấu bằng ngô, lạc. Phóng viên xuống họ quý nên mới nấu thêm với gạo. Tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi kỷ niệm này”.
Xông xáo Ngày nay, việc tác nghiệp của phóng viên Báo Hải Dương thuận lợi về nhiều mặt. Giao thông phát triển, ô tô, xe máy có nhiều nên đi lại dễ dàng. Điện thoại, internet, các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm đa dạng nên phóng viên có thể nắm bắt, tìm kiếm, liên lạc, tiếp cận thông tin nhanh. Nhưng việc làm báo thời nay cũng gặp không ít khó khăn, vất vả.
Năm 2013, phóng viên Đinh Ngọc Hùng được cơ quan giao theo đoàn công tác đi quần đảo Trường Sa để phản ánh thông tin về cuộc sống và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân dân nơi đây. Trước những con sóng dữ, anh Hùng cùng các đồng nghiệp nhiều lần vừa ôm máy ảnh, máy quay vừa nôn vì say sóng. Cơm chẳng thể nuốt, anh chỉ biết nằm co ro trên giường với chai nước lọc và thanh lương khô để giữ sức. Mất ngủ, mắt thâm quầng nhưng khi có thông báo tàu sắp cập đảo, anh lại vùng dậy túm lấy máy ảnh nhao ra ngoài để chớp lấy những hình ảnh về biển đảo Tổ quốc. Mệt mỏi nhưng ngay khi lên đảo, anh Hùng cùng các đồng nghiệp phải tận dụng từng khắc thời gian để gặp gỡ các chiến sĩ, tìm hiểu cuộc sống trên đảo. Lúc đó máu nghề nghiệp cuốn bay mọi mỏi mệt. Sau khi có tư liệu lại phải bắt tay vào viết để kịp chuyển về Tòa soạn. Vì thời gian lưu lại trên đảo thường chỉ từ vài giờ đến nửa ngày nên anh Hùng phải viết cả khi lên tàu. Say sóng không thể ngồi dậy thì nằm ôm máy tính viết. Anh Hùng nhớ lại: “Tác nghiệp ở Trường Sa vất vả, gian khổ song bù lại, những người làm báo nhận được những tình cảm quý mến, ấm áp của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi hải đảo. Vui hơn cả là những tác phẩm phản ánh về cuộc sống sinh hoạt của quân và dân nơi biển đảo xa xôi đã kịp thời đến với bạn đọc trong tỉnh và được nhiều người quan tâm. Với người làm báo đó là món quà quý giá nhất”.
Trong xã hội hiện đại, nhiều tiêu cực nảy sinh. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, các phóng viên Báo Hải Dương phải liên tục tìm tòi, sáng tạo, thậm chí phải đối diện với nguy hiểm khi dấn thân, “nhập vai” thành người trong cuộc. Chị Dương Thị Lan Anh là một cây bút trẻ có một số phóng sự điều tra, phanh phui thủ đoạn của những đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Để viết được phóng sự “Hành trình của nước giải khát bẩn”, chị đã phải nhập vai một lái buôn, nhiều lần lên Hà Nội và đi nhiều địa điểm khác ở Hải Dương để thâm nhập, thu thập thông tin. Còn phóng viên Lê Đức Tâm kể: “Để có đủ thông tin viết bài về “cát tặc”, tôi đã phải chờ đợi 3 đêm tại bờ đê sông Kinh Thầy, xã Kênh Giang (Chí Linh). Lúc quay video, một người dân địa phương chở tôi bằng xe máy tiến sát hiện trường. Khi đang tác nghiệp, chúng tôi bị “cát tặc” phát hiện đuổi đánh. Rất may chúng tôi đã chạy thoát”.
Theo nhà báo Nguyễn Trọng Tuân, Trưởng Phòng Văn hóa-xã hội Báo Hải Dương, hiện nay do sợ liên quan đến trách nhiệm, một số cán bộ địa phương, cơ quan, đơn vị thường né tránh, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không kịp thời về những vấn đề nóng. Để phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự đang được công chúng quan tâm, nhiều phóng viên thường phải vất vả thu thập thông tin, chứng cứ từ nhiều nguồn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ quan báo chí cùng hoạt động. Chưa kể rất nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương cũng cử các phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn. Bởi vậy, các phóng viên của mỗi cơ quan báo phải đối mặt với áp lực thông tin nhanh, kịp thời, chính xác để cạnh tranh thông tin với cơ quan báo chí khác. Tuy nhiên, nếu phóng viên không thận trọng thì chính vì áp lực phải có thông tin nhanh dễ dẫn tới sai sót.
BÌNH MINH