Nghe đồng nghiệp kể chuyện con họ khủng hoảng tuổi dậy thì, đứa trở nên ngang bướng, đứa lầm lì, không thích nói chuyện với bố mẹ, đứa lại sa vào nghiện game, có đứa còn yêu đương… tôi phát hoảng.
Dạo này cậu con trai đang học lớp 9 của tôi cứ về phòng riêng là khép chặt cửa lại. Tôi vừa tò mò không biết anh chàng làm gì trong đó, vừa lo lắng nhỡ nó bật máy vi tính chơi game thành nghiện thì nguy hiểm lắm. Tôi chỉ dám mua cho con điện thoại “cục gạch” để nghe gọi, nhắn tin là chính. Hay là cu cậu có bạn gái nên đóng cửa nhắn tin cho thoải mái? Năm nay con bước vào tuổi dậy thì, cao vổng lên, ra dáng thanh niên phong độ, biết đâu lại có khối bạn gái thích và “thả thính” thì sao?
Tôi băn khoăn, đoán già đoán non, càng phỏng đoán càng sốt ruột nên một hôm tôi rón rén rồi bất thình lình mở toang cửa phòng con ra. Thằng bé bị bất ngờ, đang nằm trên giường đọc sách vội bật dậy, cau có, phản ứng ra mặt: “Tại sao mẹ vào phòng con mà không gõ cửa? Mẹ mất lịch sự thế?”. Tôi biết mình làm thế là không đúng, là xâm phạm quyền riêng tư của con nhưng cũng vội giải thích: “Nhưng mẹ là mẹ của con! Mẹ cần kiểm tra đột xuất xem con đang học hay chơi game. Hôm nay mà mẹ không vào bất thình lình thế này thì làm sao mà biết được con dám nằm đọc sách. Tư thế ấy làm hỏng mắt con mất thôi”. Con trai tôi không hài lòng, nó vùng vằng: “Con cần được mẹ tôn trọng. Con lớn rồi, có như em bé đâu mà mẹ giám sát và kiểm tra như vậy”. Nhìn mặt con đỏ bừng như sắp khóc, tôi liền xoa dịu: “Thôi được rồi! Mẹ xin lỗi con. Từ lần sau mẹ sẽ gõ cửa”.
Từ hôm đó, tôi giữ đúng lời hứa, mỗi lần muốn vào phòng con, tôi đều phải gõ cửa. Có bận thằng bé còn hỏi với ra: “Mẹ cần gặp con có việc gì thế?”. Biết trước nên tôi đã pha sẵn cốc sữa nóng để con có sức học khuya: “Mẹ mang sữa cho con đây”. Vậy mà con không vui, mặt xịu xuống: “Con lớn rồi! Con thích uống thì con tự pha được. Mẹ đừng pha và mang lên tận phòng như thế này nữa nhé!”. Thái độ của con làm tôi bực mình, tôi càng quan tâm thì con càng khó chịu.
Nghe đồng nghiệp kể chuyện con họ khủng hoảng tuổi dậy thì, đứa trở nên ngang bướng, đứa lầm lì, không thích nói chuyện với bố mẹ, đứa lại sa vào nghiện game, có đứa còn yêu đương lâm li mùi mẫn… Tôi phát hoảng, nói chuyện với chồng để tìm cách tháo gỡ nhưng chồng tôi rất thờ ơ: “Ai mà chẳng phải trải qua cái tuổi ẩm ương ấy. Em đừng quan trọng hóa vấn đề làm gì”. Nhưng tôi vẫn không yên tâm, bèn cảnh báo anh: “Ngày xưa làm gì có nhiều thứ hấp dẫn như bây giờ. Con cứ đóng cửa phòng im ỉm như thế, nó làm gì ở trong anh có biết không? Anh trang bị cho con máy vi tính để nó học nhưng lỡ nó xem linh tinh thì sao?”. Chồng tôi bật cười: “Tưởng gì. Từ mai anh cài đặt máy vi tính đồng bộ hóa với điện thoại của anh, theo dõi từ xa được hết. Cần thiết nữa thì anh lắp camera đặt ở phòng con trai cho em tha hồ giám sát nó nhé!”. Tôi gàn anh đừng lắp camera trong phòng con trai vì e rằng sẽ phản tác dụng.
Hôm nay vừa ăn tối xong, chồng tôi đã gọi con trai ra hỏi bằng giọng nghiêm trọng: “Bố hỏi thật, ngoài việc học ra, con có chơi gì trên máy vi tính không?”. Như một phản xạ, thằng bé lắc đầu: “Không ạ! Con không chơi gì bố ạ”. "Bố đã có bằng chứng rồi, bố cho con nói lại một lần nữa đấy". Nó đỏ mặt lí nhí thừa nhận có chơi game, xem phim hoạt hình. Quả nhiên, chồng tôi chìa ra chiếc điện thoại di động đã cài đặt đồng bộ hóa với máy vi tính, trong đó có hết lịch sử truy cập vào internet của con. Anh nổi giận: “Đấy! Con làm gì bố biết hết. Con đóng chặt cửa phòng để chơi cho thoải mái có phải không? Bố không muốn nói nhiều đâu nhé. Năm nay cuối cấp, học hành cho tử tế vào”. Con lí nhí xin lỗi rồi lặng lẽ về phòng riêng. Tôi phát hiện thằng bé rơm rớm nước mắt.
Từ hôm ấy, con ít nói hẳn, càng ngày càng tỏ ra xa lánh bố mẹ. Tôi lo tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tâm lý của con nên quyết định vào phòng con nói chuyện: “Có phải tại bố mẹ quá quan tâm đến con nên con không thích? Con chẳng tâm sự với mẹ khiến mẹ buồn lắm”. Con nhìn tôi, ngập ngừng: “Con muốn… được như bạn lớp trưởng lớp con mẹ ạ! Bố mẹ bạn ấy không giám sát như… nhà mình. Bạn ấy vừa tự lập, vừa học giỏi”. Nghe con nói, tôi lặng đi.
Tôi bèn xin số điện thoại của mẹ bạn lớp trưởng để được tư vấn cách ứng xử với con. Chị ấy đã chia sẻ với tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Tôi nhận ra việc đầu tiên mình cần thay đổi để con mở lòng, yêu thương và tin tưởng, đó là phải làm bạn với con chứ không phải chỉ có giám sát, theo dõi và áp đặt.
TRẦN THỊ LÀNH