Làm 4 câu thơ được thăng chức

08/12/2019 13:09

Hồi kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1947-1948, nhà thơ Giang Nam làm 4 câu thơ "thô sơ" mà được cấp trên đề bạt vượt ba cấp.

Tháng 7.2011, trong đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Hưng Yên đi dự trại sáng tác tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), tôi có dịp tới nhà số 46 Yersin gặp nhà thơ Giang Nam. Được nhà thơ đón tiếp niềm nở, kể cho nghe nhiều chuyện thú vị về bước đường sáng tác văn học của ông. Trong đó có chuyện bài thơ "Quê hương" được giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1961 (nay là báo Văn nghệ). Nhân vật người con gái trong bài thơ là Phạm Thị Triều - nguyên mẫu của vợ nhà thơ bây giờ. Bài "Quê hương" là một trong những bài thơ hay của thơ ca chống Mỹ, cứu nước, được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường phổ thông trung học và được nhiều nhà phê bình văn học đánh giá cao. Nhưng còn một chuyện đặc biệt mà nhà thơ Giang Nam bấy giờ mới tiết lộ. Ấy là chuyện hồi kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1947-1948, ông làm 4 câu thơ "thô sơ" mà được cấp trên đề bạt vượt ba cấp.

Thời kỳ đó, thực dân Pháp chiếm đóng hầu hết các vùng trọng điểm tỉnh lỵ Khánh Hòa, buộc lực lượng cách mạng của ta phải dồn lên miền núi một thời gian để bảo toàn các cơ quan đầu não. Nhưng muốn nắm bắt tình hình địch, với chiến lược "Bám lấy thắt lưng địch mà đánh", Tỉnh ủy Khánh Hòa đề ra chủ trương lật ngược thế cờ, đưa một số bộ phận cán bộ tiến về làng, xã, vào đô thị. Quán triệt mục tiêu đó, chàng thanh niên Nguyễn Sung (tên khai sinh của nhà thơ Giang Nam) lúc này mới 18 tuổi đang làm Trưởng Ban Thông tin xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) sớm nhạy bén chính trị sáng tác 4 câu thơ: "Khói ai phất phơ bên đèo/ Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?/ Quê làng người đợi kẻ trông/ Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày?".

Vốn có năng khiếu viết báo, làm thơ từ thời còn đi học, Nguyễn Sung đem gửi 4 câu thơ trên theo đường giao liên lên chiến khu Hòn Dữ - nơi cơ quan tòa soạn báo Thắng (tờ báo trực thuộc Tỉnh ủy Khánh Hòa). 4 câu thơ đó được in ngay trên trang đầu báo Thắng, được các đồng chí trong Tỉnh ủy rất chú ý đến tác giả, khen Nguyễn Sung có khả năng làm thơ, tuy ít tuổi nhưng có nhãn quan chính trị. Vậy là chỉ sau ít ngày, từ cán bộ thông tin xã, Nguyễn Sung được điều lên công tác ở Ty Thông tin Khánh Hòa, rồi làm biên tập kiêm Thư ký tòa soạn báo Thắng. Vậy là trong vòng 3 tháng, Nguyễn Sung được đề bạt vượt ba cấp. Cũng năm đó, Nguyễn Sung được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi. Từ đấy, Nguyễn Sung lấy bút danh là Giang Nam.

Có lẽ 4 câu thơ kể trên là bước đệm làm thay đổi đường đời và đường thơ của ông, để rồi Giang Nam lần lượt giữ các cương vị công tác: Phó trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ủy viên Ban Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, sau ngày 30.4.1975 ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam...

LÊ HỒNG BẢO UYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm 4 câu thơ được thăng chức