Từ ngày 1-8, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt nặng nhằm tăng mức răn đe nhưng đến thời điểm này, nhiều lái xe am hiểu rất lơ mơ...
Mặc dù liên quan trực tiếp đến quyền lợi nhưng nhiều lái xe chưa nắm được quy định mới s
ẽ xử lý các hành vi vi phạm cụ thể ra sao
Ngày 1-8, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ gồm 5 chương, 82 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành. Các điểm mới trong nghị định kèm theo những chế tài xử phạt nghiêm khắc đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nhiều điểm mớiNgoài làm rõ hơn một số hành vi vi phạm thì nghị định này đã bổ sung xử phạt nhiều hành vi và nhóm hành vi vi phạm mà các quy định trước đây không có. Nghị định cũng tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi và hành vi như vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, chở quá trọng tải của phương tiện, cầu, đường...
Theo đó, phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 4-6 tháng đối với lái xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở (tăng thêm 4,5 triệu đồng, tăng thời gian tước GPLX thêm 4 tháng); phạt từ 28-32 triệu đồng đối với chủ xe là cá nhân và từ 56-64 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức khi chở vượt quá tải trên 150% (tăng thêm 7,5 triệu đồng và tăng thời gian tước GPLX đối với lái xe thêm 1 tháng; tăng mức phạt chủ xe là cá nhân thêm 13 triệu đồng và chủ xe là tổ chức thêm 26 triệu đồng). Hành vi quá tốc độ cũng bị xử phạt nặng: Phạt từ 7-8 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng đối với người điều khiển ô tô quá tốc độ trên 35 km/giờ (tăng thời gian tước GPLX thêm 2 tháng). Phạt từ 3-4 triệu đồng, tước GPLX từ 1-3 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy quá tốc độ trên 20 km/giờ (tăng thêm 500.000 đồng)...
Đáng chú ý, các hành vi của cá nhân, tổ chức cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ vốn gây khó khăn cho cơ quan chức năng từ trước đến ngày 1-8 sẽ bị xử phạt. Tổ chức, cá nhân chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị làm nơi trông giữ xe cũng bị xử phạt...
Lường trước khó khănThời điểm này nhiều lái xe chưa nắm rõ các quy định mới. Chúng tôi đã trao đổi nhanh với 5 lái xe ô tô trên quốc lộ 38B đoạn đầu cầu Phú Tảo (TP Hải Dương) thì chỉ có 1 người cho biết đã nghe nói về quy định mới nhưng rất mơ hồ. Anh Phạm Đình Thức ở xã Diên Hồng (Thanh Miện) lái xe tải 34C-085.47 khẳng định đã nghe thông tin có quy định mới nhưng cụ thể thế nào thì không nắm được. Cũng như nhiều người khác, anh Vũ Văn Quý ở Đại Thắng, Tiên Lãng (TP Hải Phòng), lái xe tải 15C-160.32 cũng chưa nắm được quy định mới sẽ tăng mức xử phạt thế nào đối với việc chở hàng quá tải... Đây là một trong những khó khăn vì người vi phạm có thể sẽ tranh cãi về mức xử phạt, còn lực lượng chức năng sẽ phải mất thời gian giải thích.
Theo đại úy Nguyễn Ngọc Hoan, Đội trưởng Đội Tham mưu (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt), ngoài tăng tính răn đe thì việc xử phạt rất nặng đối với nhiều hành vi cũng có thể gây ra những khó khăn cho cơ quan chức năng. Ví dụ, người lái ô tô vi phạm nồng độ cồn vốn đã rất khó xử lý thì nay lại tăng thêm mức xử phạt (phạt từ 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng). Còn người đi mô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn bị phạt cao nhất từ 3-4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng (kể cả xe máy điện), tăng 1 triệu đồng và tăng thời gian tước GPLX thêm 2 tháng. Do đó, có thể người vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn hoặc nhờ người can thiệp. Thời gian đầu áp dụng quy định một số người thực thi công vụ có thể sẽ lúng túng... Vì vậy, để nghị định đạt được hiệu quả như mong muốn cần sự cố gắng rất lớn của các cơ quan liên quan.
Tuy lường trước có những khó khăn nhưng với nhiều điểm mới, xử lý thêm nhiều hành vi vi phạm, Nghị định 46 đã trang bị thêm thẩm quyền cho lực lượng chức năng nên được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông vốn đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.
TIẾN HUY
Tại Nghị định 46 có nhiều quy định mới sau ngày 1-1-2017 mới bắt đầu xử lý. Đó là các hành vi: người điều khiển ô tô chở người không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn; không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình) khi mua, được cho, tặng...; sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe... |