Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh, giao thương chưa thể khôi phục, thu nhập của người dân vì thế cũng giảm sút.
Gần 3 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Càng về cuối năm, nhu cầu tài chính của người dân càng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh, giao thương chưa thể khôi phục như trước, thu nhập của người dân vì thế cũng giảm sút. Áp lực chi tiêu cuối năm là một trong những lý do đưa người dân xích lại gần hơn các công ty tài chính, thậm chí là các tiệm cầm đồ.
Vay rẻ nhất, vay vốn bằng mọi tài sản, thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay nhanh… là những lời quảng cáo đánh trúng tâm lý cần tiền nhanh của rất nhiều người từ các cửa hàng cầm đồ, cho vay tiền. Và đó cũng là lý do khiến những công ty, cửa hàng cầm đồ này hút khách.
Người đi vay chỉ cần cầm cố tài sản như giấy tờ xe máy, máy tính xách tay, điện thoại thông minh… là có thể vay tiền. Vay thì dễ, nhưng số tiền phải trả cho mỗi khoản vay lại không hề rẻ. Cả lãi và phí phải trả, tính ra có khi từ 70-90%/năm, cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Nhiều người thắc mắc số tiền phải trả cao như vậy có vi phạm pháp luật không. Xin thưa rằng, họ, những người đứng sau những công ty, cửa hàng cầm đồ, cho vay tài chính “cao tay” lắm. Để không vi phạm pháp luật, những cơ sở này thường xác định mức lãi suất ghi trong hợp đồng tương đối thấp. Bù lại, những khoản phí như phí thẩm định; phí quản lý, lưu giữ tài sản cầm cố… đi kèm suốt thời gian vay được đẩy lên cao. Thế là... không vi phạm pháp luật.
Nếu không “khai tử” dịch vụ cầm đồ cho vay tài chính, vấn đề cần bàn là đưa ra quy định quản lý và điều hành ra sao để khống chế biến tướng tiêu cực theo hướng cho vay nặng lãi của hoạt động này? Những quy định hiện tại chưa tính đến lãi suất thực tế trong hoạt động cầm đồ. Vì vậy, dịch vụ này thường tách lãi suất cố định và các loại phí để qua mặt lực lượng chức năng. Cơ quản quản lý nhà nước cần nhanh chóng có thêm những quy định mới, nêu rõ mọi chi phí có trong khoản vay cầm đồ đều được tính là lãi suất, chứ không phải chi phí ngoài lãi, bên cạnh đó cũng đặt ra trần lãi suất cụ thể.
Một câu hỏi khác đặt ra, tại sao người dân không đi vay ngân hàng mà lại tìm đến dịch vụ cầm đồ? Đặc trưng của cho vay cầm đồ là phần lớn các khoản vay được xếp vào dạng “vay nóng” với giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, giải ngân nhanh và quy trình thẩm định đơn giản. Nhiều khoản vay chỉ một vài triệu đồng và không quá coi trọng khâu chứng minh khả năng trả nợ. Người dân khi cần một khoản tiền gấp mà trong tay chỉ có những tài sản giá trị tầm trung như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay hay lớn hơn là chiếc xe máy, họ không thể mang những tài sản đó đến ngân hàng để thế chấp vay tiền nên đã lựa chọn giải pháp cầm đồ. Ngược lại, xét về mục tiêu thị trường, phân khúc này không phải đích ngắm của các ngân hàng, ít nhất là dựa trên những sản phẩm tín dụng của đa phần các ngân hàng thời điểm hiện tại. Nhìn một cách tổng thể, thị trường tín dụng ngân hàng đang thiếu hụt nguồn cung các khoản vay quy mô nhỏ với yêu cầu giải ngân đơn giản, tức thì của người dân. Dưới góc độ cung cầu tín dụng thì hoạt động cho vay cầm đồ vẫn có “đất sống” để bù lấp cho sự thiếu hụt này.
Mặt khác, hoạt động tín dụng đen hiện nay còn núp bóng ở nhiều tiệm cầm đồ, thậm chí cả công ty tài chính. Thời gian qua, nhiều vụ vỡ nợ, đòi nợ thuê gây mất an ninh trật tự, bức xúc dư luận cũng xuất phát từ loại hình cho vay này.
Nếu các ngân hàng nghiên cứu, xây dựng sản phẩm tín dụng riêng, cung cấp những khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ hoặc siêu nhỏ; linh hoạt hơn trong cho vay, thẩm định chắc chắn người dân sẽ lựa chọn vay ngân hàng thay vì dịch vụ cầm đồ. Qua đó cũng sẽ hạn chế được tín dụng đen.
SONG TƯỜNG