Nông nghiệp - Nông thôn

Kỳ vọng thời điểm vàng của người chăn nuôi

HIỀN TRANG 13/11/2023 15:00

Cuối năm là thời điểm vàng của ngành chăn nuôi khi nhu cầu thị trường tăng mạnh và giá bán tốt, đặc biệt là tháng áp Tết Nguyên đán.

anh-chan-nuoi.jpg
Việc duy trì tổng đàn và bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn được các hộ chăn nuôi đặt lên hàng đầu

Tín hiệu tích cực

Gắn bó và trải qua nhiều biến cố của nghề chăn nuôi lợn, ông Đào Văn Nho ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) nhận thấy xu hướng thị trường những tháng cuối năm đã có sự thay đổi.

Ông Nho chia sẻ: “Trước đây, thị trường cuối năm luôn có sức hút với các hộ chăn nuôi nhưng những năm gần đây xu hướng này đã thay đổi. Người tiêu dùng không còn sử dụng quá nhiều thực phẩm vào dịp cuối năm nên trang trại cũng điều chỉnh việc tái đàn cho phù hợp".

Trang trại nuôi lợn của ông Nho duy trì hơn 100 con lợn thịt và 10 lợn nái. Chăn nuôi ổn định, mỗi tháng ông xuất chuồng từ 2-3 tấn thịt lợn.

Cuối năm, giá lợn sẽ cao vào dịp trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng. Đây cũng là thời điểm các nhà hàng, bếp ăn tập thể tăng cường suất ăn. Vì vậy, trang trại lợn của ông Nho dự kiến sẽ xuất lứa lợn cuối cùng trong năm vào dịp rằm tháng Chạp.

Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương (Gia Lộc), từ giữa tháng 9, các thành viên đã bắt tay vào việc tái đàn để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Hợp tác xã có 128 thành viên, trong đó có gần 90 hộ tái đàn trong đợt này với tổng số đàn gà ước đạt khoảng 430.000 con để phục vụ thị trường Tết. Cách đây vài tháng, giá gà lai chọi thương phẩm của hợp tác xã bán ra khoảng 68.000-70.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện nay giá đã tăng lên 95.000 đồng/kg. Với đà này, nếu thuận lợi, giá gà lai chọi thương phẩm vào dịp Tết Nguyên đán sẽ được kỳ vọng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm, là những tín hiệu tích cực đối với các thành viên trong hợp tác xã.

Lo phòng dịch

Theo nhiều hộ chăn nuôi, năm 2023, giá chăn nuôi lợn tăng nhưng không đáng kể. Cuối tháng 10, đầu tháng 11, giá lợn hơi tăng cao ở mức 57.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì khoảng 3 – 4 ngày sau đó lại giảm và đi ngang. Hiện giá lợn duy trì từ 50.000 – 52.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi dù khá ít. Giá lợn hơi biến động liên tục, cùng với việc xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi khiến các hộ chăn nuôi không còn quá coi trọng thị trường cuối năm. Thay vào đó, việc duy trì tổng đàn và bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn được các hộ chăn nuôi đặt lên hàng đầu.

Kể từ sau dịch tả lợn châu Phi, trang trại của anh Nguyễn Đức Thao ở thôn Mạc Động, xã Liên Mạc (Thanh Hà) vẫn duy trì phun khử trùng 1 lần/tuần, rắc vôi bột, nghiêm cấm người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi... Nhờ đó, hơn 1.000 con lợn thịt vẫn an toàn và bảo đảm nguồn cung ra thị trường.

anh-chan-nuoi-2.jpg
Giá bán thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng nên người chăn nuôi đầu tư tái đàn

Giống gà của Hợp tác xã Dịch vụ gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương được đưa về từ xã Yết Kiêu (cùng huyện Gia Lộc) ít bị bệnh, thịt ngon và chắc. Do có kinh nghiệm và được hướng dẫn kỹ thuật, được tiêm phòng đầy đủ nên gà thương phẩm của các thành viên trong hợp tác xã luôn bảo đảm chất lượng.

Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, tại thời điểm đầu tháng 11, tổng đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 295.000 con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán thịt gia cầm hơi xuất chuồng tiếp tục duy trì ở mức cao, hiệu quả chăn nuôi tốt, người chăn nuôi đầu tư tái đàn, tăng chu kỳ nuôi nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm tại thời điểm đầu tháng 11 ước đạt 16,6 triệu con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết Hải Dương chưa xuất hiện các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố khác, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là ở những địa phương còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, các hộ chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm trong chăn nuôi lợn, gia cầm. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng và phát triển các sản phẩm OCOP. Khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi…

HIỀN TRANG
(0) Bình luận
Kỳ vọng thời điểm vàng của người chăn nuôi