Sau bao năm, ước mơ của người dân Kinh Môn đã thành hiện thực khi những cây cầu nối thị xã với các vùng lân cận đang được xây dựng.
Cầu Mây nối hai bờ Kim Thành và Kinh Môn là công trình trọng điểm của tỉnh
Một ngày không xa, thế ''ốc đảo'' sẽ được phá vỡ hoàn toàn, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã bốn mặt là sông này.
Không còn là mơ ước
Sinh sống và làm việc ở TP Hải Dương, một tháng đôi lần ông Nguyễn Minh Tiến lại về thăm quê ở xã Bạch Đằng. Mỗi lần về, ông thấy tiến độ thi công cầu Mây khá nhanh. Mới hôm nào hai bên bờ sông vẫn còn là bãi kinh doanh vật liệu, nhà ở, hàng quán của người dân thì hôm nay các trụ cầu đã mọc lên sừng sững.
Hai bên bờ sông, đường dẫn lên cầu đang được thi công. "Dù trời giá rét nhưng công nhân vẫn miệt mài làm việc. Rồi đây, việc đi lại của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", ông Tiến phấn khởi nói.
Trước đây, để sang huyện Kim Thành hay lên TP Hải Dương, người dân ở các khu nam và bắc An Phụ phải đi qua phà Mây. Những ngày mưa bão, không kể người già, trẻ nhỏ mà cả những người khỏe mạnh đi qua phà cũng rất vất vả. Vì thế, xây dựng cầu Mây là niềm khát khao từ bao đời nay của người dân khu này.
Đáp ứng mong mỏi đó và để thúc đẩy kinh tế khu An Phụ phát triển, giữa năm 2019, tỉnh ta quyết định xây dựng cầu Mây. Cầu dài 694 m, điểm đầu thuộc xã Thượng Vũ (Kim Thành), điểm cuối thuộc xã Thăng Long (Kinh Môn), tổng số vốn đầu tư trên 345 tỷ đồng.
Là công trình trọng điểm của tỉnh nên việc xây dựng cầu Mây được các cấp, các ngành, đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất, khối lượng thi công đạt 40%.
Niềm vui, phấn khởi của người dân khu An Phụ còn được nhân đôi khi UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) quyết định đầu tư gần 402 tỷ đồng để xây dựng cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy. Cầu dài gần 750m, điểm đầu thuộc xã Hồng Phong (thị xã Đông Triều), điểm cuối thuộc phường Thất Hùng (thị xã Kinh Môn).
Ông Phạm Thanh Tuấn, Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng thị xã Đông Triều cho biết: "Cầu Triều được xây dựng sẽ tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội 2 địa phương phát triển. Về phía thị xã Đông Triều, do thấy được lợi ích của cây cầu mang lại nên người dân rất đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng để thi công".
Để tạo đồng bộ cho hệ thống giao thông, tỉnh đã đầu tư một số tuyến đường kết nối với các cây cầu mới. Đó là đường dẫn từ cầu Triều đến đường tỉnh 389; tu sửa, mở rộng đường 389 B qua An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Hiệp An và một số tuyến đường xã, liên xã.
Thời gian tới, dự kiến một số cây cầu nữa cũng sẽ được xây dựng trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã thống nhất việc xây dựng cầu Dinh, điểm đầu tại xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), điểm cuối tại đường Thanh Niên (phường An Lưu, thị xã Kinh Môn). Tỉnh cũng dự kiến sẽ xây dựng cầu Vạn nối xã Quang Thành (Kinh Môn) với phường Đồng Lạc (TP Chí Linh). Ngoài ra, thị xã Kinh Môn cũng đang kêu gọi đầu tư mở rộng cầu An Thái.
Xóa nhòa khoảng cách
Được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, thị xã Kinh Môn trước đây được ví như một "ốc đảo". Để vào được Kinh Môn chỉ có cách duy nhất là qua đò, phà. Năm 1999, cầu An Thái bắc qua sông Kinh Môn được xây dựng đã tạo điều kiện cho Kinh Môn giao thương cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau đó cầu Đá Vách, rồi cầu Hiệp Thượng được xây dựng đã tạo bước ngoặt lớn đối với Kinh Môn.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết: "Các cây cầu được xây dựng đều tập trung ở phía đông nên kinh tế - xã hội khu Tam Lưu, Nhị Chiểu khá sôi động, còn khu An Phụ đò giang cách trở nên trầm lắng.
Hy vọng sau khi cầu Mây, cầu Triều hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu An Phụ phát triển, góp phần xóa nhòa khoảng cách giữa các khu vực của thị xã".
Trước những cơ hội mới, thị xã Kinh Môn đã có những định hướng cụ thể để phát triển cho từng khu vực cũng như từng xã, phường. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, các xã thuộc khu An Phụ như Bạch Đằng, Thượng Quận, Hiệp Hòa được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng hệ thống nhà màng, nhà lưới, trồng cây vụ đông.
Thị xã sẽ xây dựng các vùng nông sản sạch, được chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Kinh Môn đã quy hoạch các cụm công nghiệp ở phường Thất Hùng, An Phụ, xã Thăng Long để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Khai thác lợi thế của các tuyến sông, thị xã sẽ phát triển một số cảng thủy nội địa ở các xã Thăng Long, Lạc Long, phường Thất Hùng để tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
THANH HÀ