Kỷ vật

30/04/2021 21:01

Thỉnh thoảng tôi lại mang cái thùng giấy ấy ra và lật giở từng món đồ rồi lau chùi cẩn thận, trong đó toàn là những thứ đồ cũ, có cái đã hỏng hóc từ lâu không còn giá trị sử dụng.

Thỉnh thoảng tôi lại mang cái thùng giấy ấy ra và lật giở từng món đồ rồi lau chùi cẩn thận, trong đó toàn là những thứ đồ cũ, có cái đã hỏng hóc từ lâu không còn giá trị sử dụng. Nhưng với tôi, những món đồ ấy là cả một bầu trời của tuổi thơ, của hồi ức. 

Tay tôi chạm phải chiếc hộp gỗ nhỏ mà bên ngoài hộp đã phai màu thời gian. Cẩn thận gỡ chốt, trước mắt tôi là chiếc lược được làm từ vỏ của mảnh đạn pháo. Nâng niu chiếc lược kỷ vật trên tay mà mắt tôi rưng rưng bởi chiếc lược ấy thấm đẫm yêu thương, nhớ nhung, khắc khoải và mong ngày đất nước được hòa bình của ông ngoại tôi trong những ngày ông xa gia đình xông pha nơi trận mạc. Bà tôi kể chiếc lược được ông làm trong thời điểm nghỉ chân ngắn ngủi giữa những cuộc hành quân vào chiến trường. Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông tôi nằm lại nơi chiến trường trong ngày 30.4 trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

Bà tôi kể lại, hôm nhận được giấy báo tử, mọi người đến dự lễ truy điệu ông, bà đã mang chiếc lược ra lau chùi cẩn thận và đặt lên ban thờ ông. Tôi nhìn ra khu vườn vời vợi xanh, nơi ấy vẫn còn cây xoài được ông trồng từ năm 1968 - năm đầu bà về làm dâu vì biết bà nghén thích ăn xoài chua. Bà vẫn còn nhớ mãi câu nói của ông: “Anh tặng em cả một cây xoài, em ăn thỏa thích”. Ông bà gần nhau được vài tháng thì ông xung phong vào bộ đội. Ngày ông hy sinh, cây xoài đang xanh bỗng lá úa tàn tưởng chết nhưng rồi có một sức sống kỳ diệu, cây vươn lên, năm nào cũng lúc lỉu những quả. Mùa nào bà cũng chọn những quả đẹp nhất kính cẩn đặt lên ban thờ thắp hương ông. Những kỷ vật nhân chứng tình yêu một thời của ông bà theo bước chân tôi trên những chặng đường sau này.

Bên cạnh chiếc hộp gỗ là chiếc váy đã bạc màu nhưng phần thêu hình hoa hướng dương ở trước ngực vẫn còn sắc nét. Đó là chiếc váy mà mẹ mua cho tôi năm tôi giành giải nhất học sinh giỏi văn hóa cấp tiểu học toàn huyện. Ngày ấy cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nên để mua một chiếc váy mới mẹ phải bán đi cả một bao thóc giống. Sau này dù tôi có nhiều chiếc váy đẹp hơn, hợp mốt hơn nhưng với tôi, đó vẫn là chiếc váy đẹp nhất, quý giá nhất.

Còn đây là chiếc điện thoại cục gạch bị hỏng màn hình mà bố mua cho tôi ngày biết tin tôi đỗ đại học. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc khi tiễn chân tôi lên thành phố nhập học, bố nhét vội vào tay tôi chiếc điện thoại đen trắng được mua lại của một cửa hàng sửa chữa điện thoại cũ với lời nhắn: "Con cầm để lấy cái liên lạc về nhà, cố gắng học tập thật tốt con nhé". Giây phút khi chiếc xe khách chầm chậm lăn bánh, tôi cố nhoài người ra ngoài cửa sổ để khắc ghi những hình ảnh, gương mặt thân quen vào trong trí nhớ.

Rồi còn đây nữa là vô vàn những món đồ như là vật chứng của thời gian. Chiếc bút mực Cửu Long là món quà mà cô giáo chủ nhiệm tặng ngày tôi tốt nghiệp cấp 2, những lá thư tay của cậu bạn lớp bên được nhét trong ngăn bàn mà tôi đã nâng niu giữ gìn, cuốn sổ nhật ký còn nguyên những nét chữ thân thương của các bạn lớp chọn văn 12A 2… tất cả lại hiện về trong tâm trí tôi. Tôi lần lượt giở ra từng thứ, ngắm nghía suy tư rồi lại để vào cái thùng giấy mới. Sắp đặt, lựa chọn nhưng không có món đồ nào nằm trong danh sách bỏ đi.

Tôi lại mường tượng ra khuôn mặt háo hức và cả sự tò mò thích thú của con gái khi được cầm trên tay những món đồ đã nhuốm màu thời gian, mỗi món đồ lại liên quan đến một sự kiện mà mẹ của con đã từng trải qua. Tôi sẽ dạy con cách trân trọng từng kỷ vật, hồi ức trong cuộc đời giống như ngày xưa cụ ngoại, bà ngoại đã từng dạy mẹ của con để ngày ngày nuôi dưỡng tâm hồn con thêm sáng trong trước những bão giông cuộc đời.

BẢO KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ vật