Giữa trùng khơi bát ngát, đảo Trường Sa Lớn hiện ra với màu xanh của cây lá, màu đỏ của mái ngói, màu trắng của bờ cát.
Phút thư giãn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường SaSau nhiều ngày lưu trú tránh bão, cuối cùng, tàu chúng tôi cũng tới đảo Trường Sa Lớn. Hồi còi báo hiệu tàu đang vào cầu cảng thúc giục mọi người đổ ra phía mũi, trèo lên khoang lái. Ai cũng muốn được nhìn thấy hình ảnh đầu tiên của hòn đảo được lấy làm tên gọi cho vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Trường Sa. Sau bão, trời, biển xanh ngắt một màu, rộng mênh mang. Giữa trùng khơi bát ngát, đảo Trường Sa Lớn hiện ra với màu xanh của cây lá, màu đỏ của mái ngói, màu trắng của bờ cát.
Trường Sa - hòn đảo thân thương đã ăn sâu trong máu thịt người Việt Nam đây. Chúng tôi bồi hồi đặt những bước chân lên miền đất mà trong đời ước một lần được tới. Người trên đảo, người đất liền trao nhau những cái bắt tay đằm thắm. Cùng xuống tàu với chúng tôi còn có nhiều các sĩ quan, chiến sĩ ra đảo nhận nhiệm vụ. Xuân này họ sẽ đón Tết xa nhà song gương mặt ai cũng rạng ngời. Cùng ra đảo đợt này còn có các kỹ thuật viên của Tập đoàn Viettel, các chuyên viên lắp đặt năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Đặc biệt chuyến công tác này còn có sự kiện lắp đặt hệ thống khám, chữa bệnh từ xa bằng hình ảnh đầu tiên trên đảo Trường Sa.
Đường dẫn vào đảo qua cổng chào lớn với dòng chữ "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảo Trường Sa". Dòng chữ khẳng định chủ quyền biển, đảo khiến mỗi người con đất liền khi tới đây đều cảm thấy tự hào. Ngay sau cổng chào là Nhà khách Thủ Đô, công trình mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nội góp công, góp của xây dựng để trái tim cả nước luôn gần Trường Sa.
Quanh đảo có rất nhiều cây bàng vuông, tra, phong ba. Bàng vuông có cây và lá khá giống bàng ta nhưng xanh ngắt, lá cứng cáp đặc trưng của cây nơi sóng gió. Mùa này bàng vuông đang nở hoa. Nụ hoa bàng vuông trắng muốt bung nở những nhị phớt tím đẹp lạ kỳ. Những trái bàng vuông cũng có hình dáng lạ mắt, giống quả lựu ở đất liền còn xanh nhưng không đầy đặn, tròn trịa mà như ai đó đã cầm dao gọt đi bốn mặt. Chẳng thế mà bàng vuông đã trở thành loài cây biểu tượng cho Trường Sa. Cùng với bàng vuông, tra là thứ cây ở Trường Sa chỗ nào cũng có. Chúng có lá to như bàn tay xòe nhưng thô ráp và có màu đỏ sẫm. Trong bữa cơm lính đảo những khi thiếu rau, tra trở thành món canh lót dạ.
Đến đảo, việc đầu tiên của chúng tôi là thắp hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo. Nhà tưởng niệm Bác được nhân dân Nghệ An xây dựng vài năm trước. Công trình có kiến trúc truyền thống lợp ngói đỏ. Phía trong, ở vị trí trang trọng có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng. Ngày công trình khởi xây, nhân dân Nghệ An đã mang đất từ Nam Đàn quê Người ra Trường Sa và mang đất từ Trường Sa về Nam Đàn. Đài tưởng niệm các liệt sĩ trên đảo xây bằng đá xanh sừng sững, uy nghi giữa biển trời.
Đảo Trường Sa có dạng hình tam giác vuông. Trên đảo có nhiều công trình ghi dấu ấn như chùa Trường Sa, lá cờ Tổ quốc bằng chất liệu gốm có kích thước 12,4 m x 25 m, một biểu tượng chủ quyền của đất nước, vừa được hoàn thành năm 2012. Lá cờ đã được công nhận kỷ lục Việt Nam năm 2012. Ngoài ra còn có Trạm khí tượng hải văn được xây dựng từ năm 1977. Ngọn hải đăng trên đảo cũng là một công trình độc đáo mà ai đến Trường Sa cũng muốn một lần tới thăm. Ánh sáng lặng lẽ của ngọn đèn biển trong đêm ngoài chỉ đường còn khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Các chiến sĩ trên đảo cho biết: Ở đảo, từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa. Vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra dông bão và biển động. Bởi vậy Trường Sa còn có tên gọi là đảo Bão Tố. Ba ngày chúng tôi ở Trường Sa thì có hai ngày biển động. Hai lần đoàn công tác có lệnh lên đường thì cả hai ngày sóng to tàu không thể cập đảo. Sóng từ biển khơi gầm gào, tung mình như muốn xô tan bờ cát.
Khắc nghiệt vậy, song các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ nơi biển đảo, không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và tích cực tăng gia sản xuất. Trung tá Đảo trưởng Phạm Văn Hiến, một người con quê hương Hải Dương cho biết: "Trong năm, đơn vị bộ đội trên đảo đã quan sát phát hiện trên 5.000 lượt máy bay, 7.200 lượt tàu cá nước ngoài. Đơn vị cũng quy hoạch vườn rau rộng 1.875 m2, trồng được 1.658 kg rau, củ, quả các loại, chăn nuôi 74 con lợn, hàng trăm gia cầm, thu 2.791 kg thịt các loại. Đặc biệt, đơn vị đã làm tốt công tác dân vận trên biển đảo, giúp đỡ 29 lượt tàu cá với 27 nghìn lít nước ngọt. Khám, chữa bệnh cho 633 lượt người, trong đó có 259 lượt công nhân và nhân dân trên đảo, 404 lượt ngư dân.
Ngày chúng tôi đặt chân lên đảo, cùng ra đón đoàn, ngoài các chiến sĩ còn có các hộ dân đang sinh sống nơi đây. Thật xúc động khi nhìn những cô cậu bé, các công dân tí hon của Trường Sa xúng xính trong bộ quần áo may theo kiểu trang phục hải quân tíu tít chụp ảnh với khách đất liền ra thăm. Trụ sở UBND thị trấn Trường Sa cũng được đặt ngay trên đảo. Chủ tịch UBND thị trấn là Đảo trưởng. Trên đảo có trường học, nhà văn hóa.
Thời gian ngắn ngủi ở Trường Sa không đủ để chúng tôi hiểu hết hải đảo xa xôi này song nhìn những người lính trên đảo đêm ngày hăng say tập luyện trên thao trường, nhìn các em nhỏ tung tăng nô đùa quanh đảo, nhìn những thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất đang được lắp đặt để phục vụ đời sống của quân và dân ở đây, đủ thấy cuộc sống đã nở hoa trên đất này. Bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió, quân và dân Trường Sa xứng đáng là những người anh hùng trên biển.
NGỌC HÙNG
Kỳ VI: Sinh tồn nơi hải đảo