Ký ức treo cờ Tổ quốc

02/09/2021 09:57

Treo cờ Tổ quốc vào mỗi dịp lễ Tết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nhưng với những người trải qua chiến tranh thì lá cờ còn thể hiện niềm tin, khát vọng về độc lập, tự do của Tổ quốc.


Gần đến ngày Tết Độc lập, cụ Tiêu Hoàng Bốn ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) lại treo cờ thể hiện lòng tri ân, biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc

"Lá cờ đỏ sao vàng gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường của thế hệ đi trước, tượng trưng cho máu và nước mắt đã rơi xuống vì độc lập dân tộc", Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tẹo (sinh năm 1914) ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) nói. Với mẹ Tẹo, giờ đây nhiều thứ có thể quên nhưng ký ức về những ngày kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những ngày mẹ thao thức mong chồng bình an trở về sau mỗi trận đánh giặc Pháp, nhưng chiến tranh khốc liệt, chồng mẹ đã hy sinh. Mẹ một mình nuôi các con khôn lớn rồi động viên con đi bộ đội góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày đi, mẹ tự tay chuẩn bị đồ cho các con và không quên đặt vào mỗi chiếc ba lô một lá cờ Tổ quốc, tiếp thêm động lực để các con hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng 2 người con cũng nằm lại chiến trường. Từ đó, cứ dịp 2.9 là mẹ lại mang lá cờ Tổ quốc ra treo trước hiên nhà để nhớ chồng và các con.

Dù đã gần 90 tuổi nhưng giọng cụ Tiêu Hoàng Bốn ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) vẫn hào sảng. Trong ký ức của cụ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm 1945 (lúc đó cụ mới 11 tuổi) luôn in đậm. Ngày ấy, cụ theo chân một số người trong làng đi xem phá kho thóc của Nhật phát cho dân bên bờ sông Hương. "Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng do một người cầm và chạy rất nhanh hướng về phía kho thóc rồi phất mạnh, nhiều người hò reo, chạy theo, khí thế hừng hực", cụ Bốn kể lại. Với cụ, lá cờ chính là sức mạnh, niềm tin, thể hiện sự kiên cường, bất khuất của dân tộc. Sau này, cứ đến ngày lễ Tết, cụ Bốn lại treo cờ như để tri ân các anh hùng liệt sĩ và cũng để nhớ về Ngày Độc lập năm 1945. 

Cụ Nguyễn Thị Dẻo (gần 100 tuổi) ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) nhớ trước đây cứ gần đến ngày 2.9 là loa truyền thanh của xã lại rộn ràng những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Ngày đó không có ti vi, điện thoại nên mọi người tập trung lắng nghe loa truyền thanh, nhiều thứ có thể thiếu nhưng lá cờ Tổ quốc nhà nào cũng phải có một chiếc.

Theo năm tháng, có nhiều phong tục mất đi nhưng riêng việc treo cờ Tổ quốc đã trở thành truyền thống, niềm tự hào dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Lá cờ xuất hiện trong các sự kiện trọng đại của đất nước, các giải đấu thể thao... nhằm lan tỏa thêm tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng ngày nay còn được xuất hiện trên nhiều đồ dùng hằng ngày của người dân như một sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền đất nước. 

"Tôi thấy treo cờ Tổ quốc là một cách thể hiện sự trân trọng của mỗi chúng ta đối với những thế hệ đi trước đã chiến đấu để giành độc lập, tự do cho đất nước. Đây không chỉ là một nét văn hóa đặc biệt mà còn là lòng yêu nước, tự hào dân tộc", anh Nguyễn Văn Hưng ở phố Nguyễn Thị Định, phường Hải Tân (TP Hải Dương) nói.

MINH NGUYỆT

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940, cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên, tung bay ở nhiều địa phương và sau đó trở thành lá cờ của Việt Minh, do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (quê ở Hà Nam) vẽ. Tháng 5.1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình hành động ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Trung tuần tháng 8.1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng 5 cánh) làm lá cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi vào Hiến pháp: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức treo cờ Tổ quốc