Lễ Truy điệu Bác, cả khu vực đình làng tôi rộng tới mẫu ruộng, xung quanh chật người sụt sùi nức nở. Nỗi thương tiếc lan tới từng xóm ngõ, từng gia đình.
|
Lễ tang Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình ngày 9-9-1969. Ảnh: tư liệu |
Ngày Bác Hồ mất, tôi đang học lớp 9. Các bác lãnh đạo xã bảo tôi viết khẩu hiệu: “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến!”, “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!” lên bảng tin ở ngã ba trung tâm giữa các thôn. Lễ Truy điệu Bác, cả khu vực đình làng tôi rộng tới mẫu ruộng, trên những bệ gốc cây bàng, lối đi, bờ ao ở xung quanh chật người sụt sùi nức nở. Nỗi thương tiếc lan tới từng xóm ngõ, từng gia đình.
Đêm hôm ấy, làng tôi hầu như không ngủ. Đâu đâu cũng kể chuyện về Bác Hồ. Người ta nói về thân phận mình thời vong quốc nô, làm người mà bị kẻ khác đè đầu cưỡi cổ, bát cơm đầy nước mắt còn bị giằng khỏi miệng; “Thằng Nhật, Tây, thằng chúa đất/ Đứa đè cổ, đứa lột da”… Nhờ có Bác, có Đảng mà mọi người bình đẳng, làm chủ cuộc đời. Vậy thời, Bác là người cha sinh ra cho dân mình quyền làm người và dạy cho mình biết cách làm người. Bà con nói cả đến việc bộ đội ở mặt trận thì truy điệu Bác thế nào, biến đau thương thành hành động cách mạng ra sao… Một bác gái hàng xóm góa bụa nhờ tôi vót cho bà 4 thanh tre to như chiếc đũa cả ghế cơm. Bà dùng những thanh tre ấy làm khung cho tấm ảnh Bác Hồ mọi khi vẫn được dán trên bức tường giữa nhà. Sau đó, bà cẩn thận gỡ tấm ảnh của chồng, đặt xuống mặt ban thờ, nói kính cẩn: “Ông hãy tạm ở dưới này, để tôi sửa soạn vị trí đặt ảnh của Cụ Hồ lên đã!”.
Hòa trong không khí của xóm làng, cả nhà tôi quây quần bên chiếc loa truyền thanh đang nói về sự kiện Quốc tang Bác Hồ. Bà ngoại tôi khi ấy 70 tuổi, cụ nói như để con cháu cùng nghe: “Đời người ta có hai lần khóc, cười đặc biệt. Lúc lọt lòng mẹ, mình cất được tiếng khóc chào đời thì xung quanh cười mừng, càng nhiều người cười càng quý. Nhiều người mà lại có cả những người không thân thích gì với mình cũng cười thì càng quý nữa. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, coi như cũng là được thanh thản siêu sinh tịnh độ để về chốn vĩnh hằng thì xung quanh lại khóc. Càng nhiều người nức nở càng chứng tỏ có phúc đức. Nhiều người, mà lại cả những người không thân thích máu mủ gì với mình cũng nức nở khóc, thì càng chứng tỏ phúc đức nữa!”. Một chút nhìn xa xăm, cụ nói tiếp: “Bác Hồ từ trần, toàn dân Việt Nam khóc, người nước ngoài cũng khóc!”. Rồi cụ bật khóc nấc nên. Thế là cả nhà tôi lại cùng khóc theo cụ, hệt như lúc dự Lễ truy điệu ở sân đình vài hôm sau đó.
Câu chuyện của bà ngoại làm tôi nghĩ đến thời gian Bác Hồ ốm nặng cũng như thời điểm Bác từ trần. Những người gần gũi nhất với Bác về huyết thống, như thân phụ, thân mẫu, anh chị em ruột… đều chẳng còn ai. Thường xuyên ở sát bên Người là toàn thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, các thầy thuốc, có nhiều thầy thuốc nước ngoài - thể hiện sự kính yêu, niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bè bạn 5 châu.
Toàn dân ta đều thấu hiểu và không ai có thể cầm lòng được trước vẻ mặt đăm chiêu, đau đớn của các đồng chí ở bên Người lúc ấy. Nhìn Thủ tướng Phạm Văn Đồng khóc Bác, tôi cảm giác như là người con khóc cha, khóc về cả cuộc đời Bác. Trong lễ viếng, “Đời tuôn nước mắt”, những dòng người bước đi mà mặt cứ ngoái lại linh cữu Bác; ánh mắt, cử chỉ bộc lộ tột cùng thương đau!
Những hình ảnh ấy hằn sâu tâm trí tôi. Mỗi dịp sinh nhật Bác, hay ngày giỗ Bác, chúng lại hiển hiện như vừa mới xảy ra hôm qua, trong vang vang âm hưởng câu thơ Tố Hữu: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người!” .
PHẠM XƯỞNG