Không biết từ bao giờ, khi từng đàn tu hú lũ lượt bay về cất tiếng gọi nhau trên những vòm lá xanh mướt cũng là lúc người dân quê tôi lại kháo nhau: Mùa vải chín đã về!
“Khi con tu hú gọi bầy/Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần” (Tố Hữu). Không biết từ bao giờ, khi từng đàn tu hú lũ lượt bay về cất tiếng gọi nhau trên những vòm lá xanh mướt cũng là lúc người dân quê tôi lại kháo nhau: Mùa vải chín đã về!
Nắng tháng sáu miên man trải vàng rực lên khu vườn nhà đang dậy mùi vải chín. Cứ vào độ này, quê tôi lại ngập tràn hương sắc của vải. Sắc vải đỏ tươi rói như những chùm đèn lồng lấp ló trong vòm cây xanh. Từng chùm vải sai trĩu buông mình lả lơi kéo cả cành la đà sát mặt đất. Mùi vải nương theo nắng, theo gió tỏa hương khắp không gian trưa hè yên ả. Hương thơm không quá sực nức, đậm đà nhưng cũng đủ thu hút từng đàn ong bướm ở đâu bay về rập rờn, tấp nập.
Khi những cơn mưa rào đầu mùa vội vã qua đi và tiết trời bắt đầu chuyển sang cái nắng oi nồng của ngày hạ, dạo quanh bên những gốc vải xù xì, tôi thường mơ màng nhớ về vườn vải chín đỏ thuở ấu thơ.
Mùa vải đến, theo mẹ ra vườn, mẹ chỉ tay lên cây vải mới lác đác những chùm chín mà dặn: "Khi nào vải chín hết cả cây mới được bẻ vì chim, dơi rất thính hơi người, bẻ một quả chúng sẽ kéo đến ăn cả cây". Thế nhưng khi ấy, một cậu nhóc tuổi 11 - 12 nghịch ngợm như tôi đâu có để tâm, mắt vẫn hau háu nhìn theo tay mẹ chỉ mà thèm khát vị ngọt thanh của quả vải chín đầu mùa.
Tôi thường trốn mẹ không ngủ trưa rồi lén lút ra sau vườn bẻ vải ăn. Quả vải tròn căng mọng, vỏ sần sùi màu nâu đỏ. Lớp cùi dày trắng ngà bọc lấy cái hạt nhỏ chỉ bằng đầu đũa. Bỏ vào miệng nhai sẽ cảm nhận được ngay vị giòn ngọt, đậm đà nơi đầu lưỡi. Cũng không hiểu sao vẫn là giống vải quen thuộc đã ăn biết bao lần nhưng khi ấy tôi lại thấy thơm ngon lạ lùng đến vậy.
Trẻ con ngày nay thường thích những điều hấp dẫn, mới mẻ, những thứ đồ chơi công nghệ hiện đại, bắt mắt nhưng với một đứa trẻ nông thôn như tôi ngày ấy thứ hấp dẫn nhất lại gắn liền với sông nước, ruộng đồng, gắn liền với mùi hương ngọt ngào của vải chín lẫn mùi hôi nồng của bọ xít.
Vào chính vụ, cả khu vườn quê ngập tràn sắc đỏ của vải. Từng chùm vải trĩu nặng trên cành đưa hương thoang thoảng như mời gọi lũ trẻ con háu đói chúng tôi. Cứ đến mùa vải, tôi hào hứng lắm, hăng hái xung phong trèo lên cây bẻ vải và “tính công” vài nghìn mỗi ngày với mẹ. Rợp tầm mắt trong những tán cây xanh rì là những chùm vải mọng đỏ sai trĩu quả khiến tôi mừng rỡ quên đi cả cái đau nhói mỗi khi bị muỗi mắt đốt và cả cái mùi hôi hám, khó chịu của bọ xít. Có những hôm bẻ vải, tôi sơ ý đu người vín ra cành xa rồi động vào tổ ong đã ngụy trang trong vòm lá mà không hề hay biết khiến chúng lao ra xối xả. Bị ong đốt tôi vội nhảy xuống đất chạy toán loạn, thậm chí nhảy cả xuống ao để chạy trốn sự truy đuổi của chúng.
Những buổi chiều xuống, tôi cùng lũ bạn lại rủ nhau bắt ve, bọ xít trên cành vải cao rồi gắn chúng vào thanh đóm có dính nhựa đường, sau đó cả lũ kéo nhau lên triền đê hò hét cổ vũ cho chúng chạy đua. Cứ như thế, những trò chơi ấy đã cuốn lũ trẻ mải chơi chúng tôi đến hết hè mà tạm quên đi cả những kiến thức bài vở đã được học trong năm.
Bao mùa vải đến rồi lại đi, cuối cùng cũng đến lúc tôi phải rời xa làng quê thân thuộc để lên thành phố học tập. Tôi đi học xa nhà, bố mẹ ở lại vẫn cần mẫn chăm sóc vườn vải để rồi mỗi vụ thu hoạch lại chắt chiu từng đồng gửi cho tôi. Mỗi lần về quê đúng vụ vải, những chùm vải lớn bé chín mọng lại được mẹ cất đầy trong ba lô, mẹ dặn mang lên thành phố để làm quà cho thầy cô, bè bạn. Những quả vải ngọt ngào mang hương sắc đất trời nơi quê nhà đã đồng hành cùng tôi trong suốt cuộc hành trình thoát khỏi ruộng đồng đến với giảng đường đại học. Để giờ đây khi đã lớn khôn, tôi luôn thầm biết ơn những quả vải đã nuôi sống mình qua năm tháng cắp sách tới trường đầy khó khăn ấy.
Tản văn của NGÔ KHIÊM