Mùa hè trời nóng như chan lửa. Những đêm nằm trằn trọc thao thức tôi lại nhớ những mùa thi năm xưa.
Mùa thi của năm cuối cấp luôn làm những cô cậu học trò chúng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nhà tôi nghèo, bố mẹ không có gì để mà tẩm bổ cho con cái trước mùa thi cả. Độ trước mùa thi hai tháng, bố mẹ miễn cho các khoản đồng áng, ruộng nương là quý giá lắm rồi.
Một buổi đến trường gạo bài, buổi còn lại quanh quẩn bên bàn học, tối tranh thủ thổi nồi cơm cho gia đình. Lúc này thời gian trôi đi rất nhanh, để phí một giây trôi qua cũng tiếc vô cùng. Ấy vậy mà, thời đó lớp lại có phong trào viết lưu bút. Sau mỗi buổi học, bạn bè dúi vào cặp một chồng lưu bút “Về viết cái gì cho dài dài nghe!”. Có khi dành nguyên cả buổi chiều để viết lưu bút. Nào là lý lịch trích ngang, tự bạch này nọ, còn nghĩ ra kỷ niệm với đứa này, đứa kia thật sâu sắc và viết thật dài như chủ nhân cuốn sổ mong muốn. Rồi, cũng có khi ngồi thừ người trước bàn học mà đầu không đọng được chữ gì. Trong đầu tôi nghĩ đến những thử thách trước mắt. Nước mắt rơi lúc nào không hay. Tôi sợ thất bại. Sợ cánh cổng trường đại học không chào đón. Sợ môi trường mới. Sợ đủ thứ linh tinh…
Mùa thi tới những đứa con lo một thì bố mẹ lo mười. 12 năm đèn sách của con cái những ông bố bà mẹ nông dân đều mong muốn con mình thoát khỏi lũy tre làng đi học để đổi đời. Nói là đổi đời như vậy, chứ thực lòng bố mẹ tôi cũng chỉ mong con cái sau này tay chân không vướng bận bùn nâu ruộng đồng vất vả. Có phần gì ngon ngon như cá mới tát ao, hay củ khoai, khúc sắn mới đào trên nương về cũng dành cho sĩ tử, ưu tiên hơn cả phần em út. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc mẹ dúi vào tay tôi bọc khoai lang giữa đêm muộn: “Ăn đi, đặng còn lấy sức mà học”. Tôi như thấy mình bé lại thuở lên ba lên bốn chứ không phải là cậu bé sắp qua tuổi trưởng thành. Bỗng một câu nói xuất hiện thoáng qua trong đầu tôi rằng, với bố mẹ thì luôn thương những đứa con của mình vô điều kiện. Nước mắt tôi ướt nhòe trang sách tự khi nào.
Ngày xuống thành phố dự thi, bố bỏ nguyên công việc dang dở đồng ruộng, mẹ quần ống thấp ống cao quàng dậy từ lúc gà chưa gáy vào bếp thổi lấy nắm xôi đậu đỏ cho hai cha con. Lộ phí của hai cha con được đổi bằng những bồ thóc, những con gà, thậm chí mảnh rau non chưa kịp hái ứng tiền trước của người ta. Những lúc này, dẫu lòng có kiên cường tới đâu cũng xót đau cho những hy sinh của bậc sinh thành. Tôi chỉ biết cố gắng cho những ngày thi sắp tới.
Và, tôi đã làm được điều bố mẹ mong muốn. Tôi hạnh phúc khi thấy nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt chằng chịt những vết chân chim của bố mẹ. Mùa thi xưa nhắc tôi những ký ức, đánh dấu bước vào đời của tuổi 18 tinh khôi. Mùa thi xưa đã giúp tôi trưởng thành, trân trọng những yêu thương và nhận ra rằng gia đình là bến đỗ bình yên nhất!
Tản văn của QUYỀN VĂN