Hơn 35 năm làm báo địa phương, tôi có may mắn là được gắn bó ở cả ba thời đoạn: báo Hải Dương mới, báo Hải Hưng và báo Hải Dương.
Nhà báo Vũ Đình Khản là người gắn bó với báo Hải Hưng từ số đầu tiên đến số cuối cùng
Riêng thời báo Hải Hưng tôi được tham gia trọn vẹn từ số báo đầu tiên ra ngày 1.3.1968 đến số cuối cùng ra ngày 31.12.1996. Số đầu tôi làm với tư cách họa sĩ trình bày. Còn số cuối cùng là cương vị Tổng Biên tập của tờ báo. Tôi cũng là người duy nhất trải qua mọi công việc của tòa soạn, từ đi nhà in sửa bài in thử, làm phóng viên đến tổ trưởng công tác, Thư ký tòa soạn, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập.
Trong thời làm báo của mình, tôi được tiếp cận với khá nhiều người quan trọng, nổi tiếng và được dự đủ cả bảy kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng. Năm lần làm nhiệm vụ viết tin bài phản ánh công việc của Đại hội. Hai kỳ cuối là đại biểu chính thức dự Đại hội. Do vậy, tôi được chứng kiến nhiều sự việc và các cung bậc cảm xúc của không ít đại biểu. Nhưng những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là giai đoạn cuối của thập niên 80, tờ báo bắt đầu đổi mới mạnh mẽ .
Tờ báo của tỉnh từ khuôn khổ 29 x 42 cm, 4 trang, mỗi tuần ra hai kỳ, chúng tôi mạnh dạn tăng lên 8 trang, rồi mở rộng diện tích mặt báo lên gấp rưỡi, gấp đôi, rồi tăng phát hành lên ba kỳ, rồi ra cả báo hằng tháng. Khối lượng tin bài cần rất nhiều trong khi biên chế vẫn giữ nguyên, không được tăng. Anh em đi về chỉ là chiếc xe đạp với cuốn sổ tay, cái bút máy Hồng Hà bơm mực Cửu Long đơn sơ. Quỹ nhuận bút vẫn rất eo hẹp. Quảng cáo không có... Khó khăn chồng chất khó khăn.
Nhưng cái khó không thể bó được cái khôn!
Trước hết, chúng tôi tổ chức lại lực lượng phóng viên. Mỗi anh em vẫn theo dõi chuyên ngành, chuyên lĩnh vực nhưng phải làm kiêm nhiệm thêm việc gắn bó chặt chẽ thường xuyên với một huyện, thị xã. Đồng thời, chúng tôi ra sức xây dựng đội ngũ cộng tác viên nòng cốt ở các địa phương, hướng vào những cán bộ tổng hợp, biên tập của các văn phòng cấp ủy, UBND, Đài Phát thanh các huyện, thị xã. Qua đó, tờ báo như được gắn bó hơn với các địa phương và cơ sở, thông tin cũng được phản ánh đều đặn, rộng khắp từ tất cả các vùng. Lãnh đạo các huyện, thị xã đều tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phóng viên và cộng tác viên tác nghiệp.
Đội ngũ những người làm báo quê Hải Hưng khá đông đảo, công tác ở nhiều cơ quan truyền thông của Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi khai thác thế mạnh này bằng cách trân trọng mời anh em cộng tác với tờ báo của quê hương nhưng hẹn ước không trả nhuận bút (vì ít ỏi quá) mà cuối năm sẽ có quà Tết gửi tặng. Thế là bài vở dồi dào, cả về số lượng và chất lượng tới tấp gửi về tòa soạn. Không riêng các nhà báo mà còn có khá nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học có tiếng như Học Phi, Đào Vũ, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, Tô Đức Chiêu, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Phạm Tuyên, Phó Đức Phương, Giáo sư Văn Tạo, Giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng... cũng đều đặn gửi bài cho báo của tỉnh. Có lẽ nghĩa cử của đội ngũ trí thức này không chỉ thể hiện tình gắn bó với quê hương mà còn có phần thương quý chúng tôi.
Chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo tỉnh là hằng năm, vào trước Tết Nguyên đán, nên có cuộc gặp mặt với anh em làm báo, làm văn nghệ người quê Hải Hưng đang công tác ở các nơi. Như vậy, địa phương có dịp cung cấp thông tin rộng rãi về mọi mặt cho các báo và các nhà báo. Anh em về dự (mỗi cuộc thường có 150-200 đại biểu) được đón tiếp vui vẻ, liên hoan chén rượu mặn nồng và có thêm chút “quà quê”. Chủ, khách cùng vui và chúng tôi thì giữ trọn được lời hứa!
Cũng qua mở rộng mạng lưới cộng tác viên, báo Hải Hưng còn có điều kiện giới thiệu các chuyên đề trên nhiều báo bạn về những nhân vật, sự kiện văn hóa, lịch sử, về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là làm vụ đông của tỉnh nhà.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Hải Hưng đã kết hợp với Trung tâm Truyền hình quân đội và Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất được bộ phim tài liệu lịch sử mang tên “Trả lại tên cho em” để cả nước biết chính xác về bốn chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt để quân ta tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 mà bấy lâu bị khuất lấp. Trong 4 chiến sĩ ấy có hai người ở huyện Gia Lộc là chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn, quê xã Yết Kiêu và lái xe Nguyễn Văn Tập, quê xã Hoàng Diệu. Còn hai chiến sĩ kia, một người quê Nghệ An, một người ở thị xã Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
Đây có lẽ cũng là một trong nhiều việc làm có ý nghĩa nhất và đáng nhớ nhất trong đời làm báo của chúng tôi.
VŨ ĐÌNH KHẢN
Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương