Ký ức hội Giằng

10/10/2021 12:06

“Hội Dâu, hội Gióng không bằng cái bóng hội Giằng”. Không biết từ bao giờ câu ca trên đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh của người dân làng Giằng xưa, tức thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) ngày nay.


Đình Bình Phiên (làng Giằng) sau khi được xây dựng là nơi tổ chức các nghi lễ cúng tế các vị thần và là nơi bàn các việc quan trọng, điểm tựa tâm linh của người dân trong làng

Nguồn gốc 

Thôn Bình Phiên trước có tên nôm là làng Giằng, tức Bình Lãng thuộc tổng Ngọc Trục, huyện Cẩm Giàng, là nơi có truyền thống khoa bảng, hiếu học với nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Theo thần tích còn lưu lại, vào thời tiền Lý, thấy quan quân nhà Lương xâm lược nước ta, Lý Bí (sau này là Lý Nam Đế), một người văn võ toàn tài đã khởi binh nhằm cứu dân chúng thoát khỏi lầm than, phía Bắc thì đánh đuổi Tiêu Tư (Thứ sử của nhà Lương), phía Nam lập quyền ở Lâm Ấp (nay thuộc vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Một hôm Lý Bí tiến binh đi đến vùng đất Bình Lãng thấy địa thế rồng chầu, hổ phục, liền truyền lệnh cho tướng sĩ cùng nhân dân dựng trại, đồn lũy để sau này chống lại giặc Lương.

Cuối canh ba đêm mùng 9 tháng giêng, Lý Bí thấy mộng báo có 3 vị áo mũ chỉnh tề đến trước mặt mà nói rằng: “Ta vốn là Đô Thiên, bên cạnh ta một người là Tả Kiên Thần Đại Đô, một người là Hữu Kiên Thần Đại Đức. Ta vốn trông coi trời Nam, phụng mệnh thiên đình nên đến âm phù lập công diệt giặc”. Nói xong ba vị thét lên 1 tiếng rồi nhảy lên lưng ngựa, chạy đến mạn đông thì theo một áng mây vàng trông như dải lụa bay đi. Sáng hôm sau, quân Lương bao vây trùng điệp, Lý Bí hô hào tướng sĩ xông ra phá tan vòng vây, bắt được đại tướng giặc, thu được vô số khí giới.

Thắng lợi lớn, Lý Bí lập tràng bái tạ thần và truyền cho nhân dân lập miếu thờ cúng một vị chính là Đô Thiên, phối thờ 2 vị tả hữu Kiên Thần. Xong việc, Lý Bí cho quân trở về, lên ngôi, dựng nước lấy tên là Vạn Xuân. Nhà vua cho phép người dân khu vực Bình Lãng lập miếu thờ thần, 5 khu vực lân cận là Minh Quyết, Tế Bằng, Thu Lãng, Cẩm Trục, Nghĩa Trạch đều được rước mỹ tự về lập miếu thờ cúng, trong đó nhân dân Bình Lãng có trách nhiệm trông coi việc thờ cúng chung của cả 6 khu vực này. 

Theo các tài liệu còn lưu tại địa phương, đến năm 1740 đình được xây dựng trên nền đất của miếu thờ 3 vị thần, gọi là đình Lục Xã hay đình Cả. Nguyên nhân tên gọi của đình do đây là nơi tế lễ cho cả tổng Ngọc Trục gồm 6 địa phương Bình Lãng, Minh Quyết, Nghĩa Trạch, Tế Bằng, Thu Lãng, Cẩm Trục. Ngày 9 và 10 tháng giêng hằng năm được nhân dân lấy làm ngày tổ chức hội đình, cũng là hội làng Giằng. 

Năm 1947, đình bị giặc Pháp phá để xây lô cốt. Năm 2014, nhân dân địa phương đồng lòng đóng góp ủng hộ xây dựng lại đình, khánh thành năm 2017.

Lễ hội trang trọng, quy củ

Đã từng là một lễ hội được tổ chức trang trọng, quy củ bậc nhất quanh vùng, nhưng gần 1 thế kỷ nay lễ hội làng Giằng không còn giữ được nếp xưa. 

Là người được nhân dân địa phương tin tưởng giao cho nhiệm vụ trông coi, dọn dẹp đình, ông Nguyễn Anh Lan, 77 tuổi cho biết: “Chúng tôi lớn lên thì lễ hội đã không còn mà chỉ nghe các cụ kể lại rằng, ngày trước lễ hội được tổ chức rất hoành tráng, người dân 6 địa phương cùng tập trung ở đây làm lễ rồi mới rước về đình làng mình”.

Theo lệ xưa, hằng năm vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng giêng nhân dân 6 địa phương sẽ đến đình cúng lễ. Bình Lãng sẽ được chọn 4 người, các địa phương khác chọn 2 người để khênh giá kiệu. Ngày mùng 9 đoàn rước 6 địa phương cùng tập trung ở đình Cả tổ chức lễ rước. Đúng giờ Dần, tiếng pháo nổ vang lên, đoàn người rước theo hiệu lệnh đó đem đồ tế, chiêng trống, cờ phướn đến đình nổ 1 tràng pháo làm lễ bái yết.

Tất cả mọi người có mặt phải nghiêm túc, không được nói năng ồn ào, ai không giữ nghiêm trang sẽ bị phạt 1 con trâu. Khi khênh kiệu lại cho nổ 1 tràng pháo rồi kiệu mới khởi hành, nghiêm trang đi qua đình của 5 địa phương còn lại. Đến địa phận địa phương nào thì đoàn làm lễ địa phương đó áo mũ chỉnh tề, cầm 1 cơi trầu làm lễ bái yết. Khi kiệu rước đến đình của địa phương nào, nơi ấy đốt 1 tràng pháo. Khi thượng kiệu lên giá lại đốt thêm 1tràng pháo. Đêm ngày mùng 9, đoàn rước đến đình Nghĩa Trạch thì nghỉ lại, đợi đến ngày mùng 10 thì rước giá trở về đình Cả, làm lễ tạ xong đốt 1tràng pháo rồi các xã lần lượt ra về đình của địa phương mình để làm lễ cầu đảo. Nếu xã nào đi rước mà bỏ về giữa chừng hoặc không nổ pháo thì bị phạt bò hoặc tiền.

Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội cũng không kém phần đặc sắc với những trò chơi dân gian, ca hát thu hút đông đảo người dân không chỉ 6 địa phương mà còn khu vực lân cận đến xem rất náo nhiệt, vì vậy mới có câu: “Hội Dâu, hội Gióng không bằng cái bóng hội Giằng”.

Sau khi đình Cả bị phá hủy trong chiến tranh, lễ hội xưa không còn duy trì được theo nếp cũ, 6 địa phương tự tổ chức cúng tế ở địa phương mình. Từ khi đình Bình Phiên khánh thành năm 2017 đến nay, việc tổ chức lễ hội, cúng tế đã được quan tâm thực hiện những năm đầu. Hai năm gần đây lễ hội không được tổ chức để phòng chống dịch.

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, đến nay dù lễ hội không còn quy mô và hình thức như xưa nhưng người dân Bình Phiên nay đã phục hồi nhiều tục lệ đẹp như lệ vọng lên lão, lệ hội tư văn… góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức hội Giằng