Kỹ thuật tác động lúa đẻ nhánh

09/04/2016 10:33

Thời tiết nóng lạnh bất thường xảy ra trong những ngày gần đây và còn tiếp diễn khiến cho lúa non sau gieo cấy rất khó thích ứng kịp để phát triển thuận lợi.


Vì vậy, nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật tác động tích cực như sau:

+ Chăm sóc lúa đẻ nhánh: Lúa gieo thẳng có 4 lá thật và lúa cấy mạ bén rễ hồi xanh là bước vào đẻ nhánh. Để giúp lúa đẻ nhánh thuận lợi, nông dân cần cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho lúa. Cụ thể, trước khi bón phân thúc đẻ cho lúa khoảng 4- 5 ngày nên tháo kiệt nước trong ruộng để mùn giun đùn lên rồi đưa nước trở lại và bón phân cho lúa. Làm được vậy rễ lúa sẽ phát triển rộng dài, hút được nhiều dinh dưỡng và đẻ nhánh tập trung. Lượng phân thúc cho lúa giai đoạn này nhất thiết phải có đạm và kali đi kèm với lượng khoảng 3- 3,5 kg u rê + 2,5-3 kg KCL/sào hoặc sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng bón thúc. Nông dân không nên bón đạm đơn cho lúa lúc này sẽ làm cho thân lá lúa mềm yếu, cây mất sức chống đỡ, bệnh đạo ôn lá dễ dàng xâm nhiễm.  

* Chú ý:

- Thời kỳ này lúa xuân chìm trong thời tiết âm u, nồm ẩm sẽ rất dễ bị nấm đạo ôn phát sinh gây hại (nhất là các giống lúa mẫn cảm như nếp các loại, Q5, BC15…). Bên cạnh việc chăm sóc lúa, người trồng cần chú ý phòng bệnh cho lúa xuân thông qua nhiều khâu: Bón phân cân đối giữa đạm và kali; phun thuốc phòng bệnh cho những ruộng lúa dễ nhiễm bệnh; dừng việc bón đạm và kali khi lúa đã chớm bị bệnh và phun trừ bằng thuốc đặc trị…

- Giai đoạn ra lá, đẻ nhánh đối với lúa gieo thẳng và lúa cấy thường hay bị bọ trĩ, ruồi vàng gây hại. Song, nông dân không nên sử dụng thuốc trừ sâu để phun cho lúa sẽ làm giảm đáng kể lượng côn trùng có ích trên đồng ruộng. Vì thời kỳ này lúa ra lá và đẻ nhánh với tốc độ nhanh (từ 2-2,5 ngày ra 1 lá mới) nên lúa có khả năng đền bù được thiệt hại do sâu gây ra mà không cần dùng đến thuốc để diệt trừ.

- Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và tham khảo khuyến cáo của các nhà chuyên môn để có những tác động tích cực nhằm ứng phó với những bất lợi do ngoại cảnh gây nên.

+ Tưới nước hiệu quả: Giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu (thời kỳ đầu) cây lúa đòi hỏi cần lượng dinh dưỡng cao. Muốn vậy bộ rễ lúa cần được phát triển rộng, dài mới có khả năng hút dinh dưỡng khỏe để nuôi thân lá. Do đó những ruộng đất cát pha, thịt nhẹ giàu mùn bà con cần chủ động tháo nước trước đến khi lúa bắt đầu đẻ (khi cây có 3-3,5 lá đối với lúa gieo thẳng) và khi lúa bắt đầu bén rễ (đối với lúa cấy mạ). Trong thời tiết đầu vụ xuân râm mát, độ ẩm không khí cao, nông dân có thể để lộ ruộng từ 4-5 ngày. Khi đó mùn giun sẽ đùn lên làm cho đất tơi xốp hơn, oxy lưu thông vào rễ lúa khiến bộ rễ đâm rộng dài hơn, hút dinh dưỡng nhiều làm cho lúa đẻ nhánh hữu hiệu được thuận lợi. Sau khi thấy ruộng có mùn giun bà con cần đưa nước trở lại ruộng và duy trì mực nước từ 2-3 cm để giúp mầm lúa phát triển tốt hơn.

* Chú ý: Nếu thời tiết ưu tiên cho lúa đẻ về sau (lúa đẻ nhánh không bông - lúa có nguy cơ tốt lốp) nông dân cần dùng nước tưới để điều khiển ngăn không cho lúa đẻ bằng cách: Đối với ruộng chân vàn và vàn cao chủ động được tưới tiêu thì nên tháo kiệt nước trong ruộng sao cho đi vào không lún (đất ruộng ở thế nứt nẻ). Khi đó nếu lúa đẻ nhánh tiếp, các nhánh đó cũng sẽ bị khô tóp. Trường hợp ruộng quá trũng không tháo kiệt được nước thì bà con có thể áp dụng biện pháp đưa nước vào ruộng ở mức cao 6-7cm. Như vậy các nhánh con được đẻ ra bị ngập nước lâu ngày cũng sẽ chết.

Thông thường một vụ lúa nên tháo nước để lộ ruộng 3 lần vào 3 giai đoạn: Trước khi lúa đẻ; lúa đang trong giai đoạn đứng cái (trước khi lúa có cứt gián) và khi lúa chín đỏ đuôi đến chín hoàn toàn.

Tháo nước lần thứ nhất để giúp lúa đẻ nhánh hữu hiệu được thuận lợi. Lần 2 khi tháo nước cần để chân ruộng được nứt nẻ, đi vào không lún nhằm giúp thân lúa được cứng chắc, bộ rễ ăn sâu sẽ chống đổ tốt khi lúa làm hạt và chín. Lần 3 tháo nước buông nổ đến lúc gặt nhằm giúp lúa cứng cây, lúa chín nhanh hơn và hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại, nhất là bệnh khô vằn đồng thời thuận lợi cho việc thu hoạch cuối vụ.

Trừ các lần tháo nước để lộ ruộng như đã nêu trên, trong suốt các thời kỳ lúa đẻ nhánh, làm đòng, làm hạt bà con cần duy trì nước trong ruộng liên tục để lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Mất nước một trong các giai đoạn này năng suất lúa sẽ bị giảm rõ rệt.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật tác động lúa đẻ nhánh