Trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến phải thường xuyên tiêu độc khử trùng để loại trừ vi sinh vật gây bệnh. Để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đạt kết quả tốt, người chăn nuôi cần thực hiện theo hướng dẫn sau:
Các cơ sở chăn nuôi nên phun khử trùng môi trường theo định kỳ 1 lần/tuần
1. Nguyên tắc khử trùng
- Người thực hiện khử trùng, tiêu độc phải sử dụng đồ bảo hộ lao động phù hợp: có quần áo bảo hộ riêng, ủng, găng tay, khẩu trang, kính, mũ.
- Lựa chọn hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng, tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh như: Iodine 10%, Benkocid, Virkon, vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa… Chỉ sử dụng hóa chất sát trùng có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
2. Các bước vệ sinh
- Đối với chuồng trống, làm sạch khu vực chuồng trại; tháo dỡ các vật dụng trong chuồng nuôi và xếp ra ngoài để vệ sinh tiêu độc; thu gom toàn bộ phân gia súc để ủ, chôn lấp hoặc đốt. Dùng nước sạch rửa toàn bộ nền, vách, tường, máng ăn, máng uống. Sau khoảng 1-2 giờ khi bề mặt đã ráo nước thì tiến hành phun thuốc sát trùng. Trước khi nuôi trở lại tiến hành tiêu độc khử trùng lần thứ 2 tương tự như trên. Sau ít nhất 12 giờ mới thả nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng.
- Đối với dụng cụ chăn nuôi: dùng nước rửa sạch dụng cụ trước khi sát trùng; ngâm máng ăn, máng uống trong dung dịch thuốc sát trùng sau thời gian ít nhất 60 - 120 phút và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời; các dụng cụ không thể rửa hoặc phun thuốc sát trùng thì có thể xông bằng hỗn hợp Formol + KMnO4...
- Đối với chuồng đang nuôi gia súc, gia cầm: chọn thuốc sát trùng không gây kích ứng da cho gia súc, gia cầm và người tiếp xúc. Dùng bình xịt có áp lực để phun thuốc sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phun thuốc sát trùng lượng từ 1,2 - 1,5 lít dung dịch/100 m3 chuồng nuôi với thời gian từ 1 - 2 ngày/lần trong thời gian có dịch bệnh hoặc định kỳ 1 - 2 tuần/lần.
- Đối với nguồn nước sử dụng: tháo hết nước cũ còn trong bể đã bị nhiễm bẩn, rửa bể bằng nước sạch và phun thuốc sát trùng toàn bộ thể tích của bể bằng dung dịch Cloramin B nồng độ từ 2 - 3%. Sau 60 phút thì rửa lại bằng nước sạch và bơm nước mới vào bể.
3. Tần suất thực hiện
- Đối với các cơ sở chăn nuôi: định kỳ 1 lần/tuần và theo các đợt phát động của địa phương.
- Đối với các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi đợt ấp nở và theo các đợt phát động của địa phương.
- Đối với phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm: định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi lần vận chuyển.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia