Chạch bùn còn có tên chạch đồng, là một loài cá cỡ nhỏ, sống chủ yếu ở lớp bùn trong ao, hồ, ruộng lúa, kênh mương…
Ở nước ta, chạch bùn thường gặp ở các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Do thịt thơm ngon, hàm lượng đạm cao (tới 18,43%), chất béo ít (chỉ có 2,69%), chạch bùn cũng đang là mặt hàng xuất khẩu. Bởi vậy chạch bùn sớm trở thành một đối tượng nuôi.
Chạch lúc nhỏ ăn động vật là chính, về sau chuyển dần sang ăn tạp. Giai đoạn trưởng thành ăn thực vật là chủ yếu. Con dưới 5 cm chủ yếu ăn luân trùng, râu ngành, chân chèo và các động vật phù du khác. Cỡ từ 5 - 8 cm ngoài thức ăn động vật phù du, chạch còn ăn giun nhỏ và ấu trùng muỗi lắc. Cỡ từ 8 - 9 cm chạch ăn tảo khuê, thân lá cây cỏ non và hạt ngũ cốc, cỡ trên 9 cm chạch chuyển sang ăn thực vật là chính. Nuôi trong ao chạch còn ăn các thức ăn tinh. Nhiệt độ phù hợp cho chạch sinh trưởng từ 15-30 độ C, thích hợp nhất từ 25 - 27 độ C. Ở nhiệt độ này chạch ăn khỏe và mau lớn, chạch trưởng thành nặng từ 30 - 60 g, con to nặng 100 g dài 20 cm.
Có thể nuôi chạch trong ao, ruộng khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương. Chạch ưa nước sạch nhưng mực nước không quá 40 cm.
1. Nuôi trong ruộng: Chuẩn bị ruộng có diện tích từ 1.500 - 2.000 m2; độ sâu từ 0,2 - 0,4 m; độ dày bùn đáy từ 15-20 cm. Ruộng nuôi cần bón phân chuồng ủ hoai mục trước khi cấy lúa để tạo thức ăn tự nhiên, có lưới chắn giữ. Trong ruộng đào mương nhỏ rộng từ 1,2 - 1,5 m, độ sâu từ 0,3-0,4 m chạy dài xung quanh để chạch trú nắng và cũng là nơi thu hoạch khi tháo cạn nước.
Chạch thường thả vào tháng 3 - 4 sau khi cấy lúa xong. Chạch giống được thu gom tự nhiên bằng phương pháp thủ công như đăng, đó, bẫy; không thả giống chạch đánh bằng điện. Mật độ thả từ 30 - 50 con/m2. Cỡ giống 5 - 6 cm/con.
Nếu ruộng được bón lót đầy đủ có nhiều thức ăn tự nhiên thì có thể giảm thức ăn tinh. Để chuẩn bị thức ăn, hộ nuôi cần đóng phân chuồng đã lên men vi sinh vào bao sau đó thả xuống ruộng. Phân men vi sinh tạo ra màu để nuôi chạch là môi trường để tạo nguồn thức ăn như vi sinh, giun đỏ. Sử dụng thức ăn men vi sinh cho cá chạch không những tạo môi trường giàu ô-xy còn giúp tiết kiệm chi phí xử lý phế thải trong chăn nuôi, đồng thời giảm chi phí mua thức ăn; đồng thời phân vi sinh bón trực tiếp cho lúa giúp tăng năng suất lúa, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.
Khi thời tiết đại hàn, người nuôi sử dụng rơm rạ, bèo tây cho cá trú ẩn tránh rét, đồng thời bơm nước cao từ 70 - 80 cm để nuôi xen canh với các loại cá khác như trắm đen, cá chép nhằm tận dụng thức ăn dư thừa ở các tầng nước. Trên các mương xung quanh ruộng thả bèo tây vào 1 góc làm nơi ẩn nấp cho cá chạch tránh nóng. Nuôi trong ruộng có thể đạt tỷ lệ sống 70-90%.
Thu hoạch: Sau 5 - 6 tháng nuôi cá chạch thương phẩm phải đạt kích cỡ 25 - 40 con/kg có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ.
2. Nuôi trong ao: Sử dụng ao nông, có diện tích từ 100 - 200 m2, mức nước sâu từ 30 - 40 cm. Trong ao có hố sâu 60 - 70 cm, thả thêm bèo tây trong ao để tạo chỗ trú ẩn cho chạch và giữ môi trường nước luôn sạch. Thả 10 - 15 kg chạch giống/100 m2 ao cỡ giống 1,5 - 2 g/con. Mỗi ngày cho chạch ăn 1-2 lần bằng thức ăn tinh.
Nuôi trong ao tốc độ tăng trọng của chạch thấp hơn nuôi trong ruộng. Sau 5 - 6 tháng có thể thu hoạch chạch thương phẩm đạt kích cỡ 35 - 45 con/kg.
(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định)