Thời gian ngâm đẫy nước phải liên tục từ 40 - 48 giờ (theo tỷ lệ 10 kg thóc giống với 15 lít nước trở lên), trong đó cứ 10 - 12 giờ thay nước đãi chua 1 lần...
Hiện đang là thời vụ ngâm gieo mạ trà xuân sớm. Thế nhưng yếu tố nhiệt độ diễn biến bất thường và phức tạp, có ngày chỉ trong khoảng 2 giờ nhưng có 3 mức nhiệt độ khác nhau nên sẽ khó khăn để ngâm ủ, gieo và bảo vệ mạ. Mặt khác, nguồn bệnh lem lép hạt tồn tại trong đất ở vụ mùa 2013 còn rất lớn. Xin lưu ý bà con nông dân như sau:
Thời gian ngâm đẫy nước phải liên tục từ 40 - 48 giờ (theo tỷ lệ 10 kg thóc giống với 15 lít nước trở lên), trong đó cứ 10 - 12 giờ thay nước đãi chua 1 lần; nước dùng để ngâm và thay đều là nước ấm. Khi ngâm đủ thời gian trên, đem ủ từ 24 - 30 giờ ở nơi kín gió và không bị chuột phá hại, hạt giống sẽ sưng mép đều. Tiếp tục đem ngâm bằng nước tan giá từ 10 - 12 giờ và đem ủ từ 20 - 24 giờ cho hạt giống nứt nanh và bật mầm ra rễ hoàn toàn.
Để mập mầm và ngắn rễ, cần điều chỉnh thời gian giữa ngâm nước ấm và ủ nhẹ theo thời gian tương đương nhau (từ 10 - 12 giờ), với 2 lần liên tục sẽ cho mẻ mống đủ tiêu chuẩn đem gieo.
Đất gieo mạ được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, bón phân lót đầy đủ theo quy định; luống rộng từ 1,2 - 1,4m.
Chọn thời điểm ném mống vào buổi trưa. Chia mống ném làm 2 - 3 lần cho đều, ném úp tay để chìm mống.
Chuẩn bị vật liệu bằng tre có độ dày từ 0,5 - 1cm, to bằng ngón chân cái, dài từ 1,9 - 2,5m, cứ 1,5 - 1,7m chiều dài luống cắm 1 vòm làm khung, 1 thanh đè bằng ngón tay cái làm chồng nóc; ni-lông trắng loại khổ 1,4m hoặc 1,6m gấp đôi, dọc ra để căng phủ vòm và chèn đất 2 bên mép luống về chiều tối hoặc ban ngày khi giá lạnh.
Áp dụng kỹ thuật ngâm ủ, gieo và bảo vệ mạ nêu trên chẳng những sẽ có mẻ mống khỏe, chống chịu tốt; đất mạ luôn giữ độ liền bùn, mống nhanh ngồi, đẹp mạ sau này cấy ít hao, quá trình từ sau cấy đến trỗ bông phơi mầu ít bị lây nhiễm các loại nấm bệnh hại, nhất là bệnh lem lép hạt.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN (Trạm khuyến nông huyện Nam Sách)