Thường dùng giống tầm xuân, hồng sen, hay hồng chùm làm gốc ghép, vì chúng là những giống hồng khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
1. Chọn gốc ghép
- Thường dùng giống tầm xuân, hồng sen, hay hồng chùm làm gốc ghép, vì chúng là những giống hồng khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
- Gốc ghép được chuẩn bị bằng cách cắt từng đoạn, giâm cho ra rễ, các nhánh phát triển khoảng 3 tháng là dùng để ghép được.
2. Chọn cành ghép
Chọn cành vừa tuổi, từ 7 - 10 cm tính từ mặt đất, trên cành này chọn chỗ không có gai, phía hướng đông, lau chùi bên ngoài vỏ cho sạch, rồi dùng dao thật bén rạch một đường ngang và một đường dọc thành chữ T.
3. Chọn mắt ghép
Trên cành của những giống hồng tốt mà ta muốn nhân giống, chọn cành tương đương gốc ghép và chưa mọc nhánh, bứt lá, chọn những mắt vừa nhú mầm và mập mạp. Dùng dao bén gọt miếng vỏ gồm cả gỗ có mắt ở chính giữa, nhẹ tay tách vỏ ra khỏi phần gỗ sao cho đừng để mắt dính trên phần gỗ. Có thể cắt bớt 2 bên rìa phần vỏ này để vỏ vừa vặn với dấu rạch T ở gốc ghép.
4. Ghép mắt và chăm sóc
- Đặt mắt vào gốc ghép sao cho phần vỏ có mắt đó vào giao điểm 2 đường rạch trên gốc ghép, mắt cách đường rạch ngang 0,5 - 1cm là vừa. Dùng dây ni-lông buộc chặt và xuôi cho quá đầu vết vỏ rạch ở trên gốc ghép. Không nên buộc dây thành cục, dễ làm đọng nước nơi ghép. Khoảng 10 - 15 ngày sau tháo dây. Dùng dao lam tỉa bỏ các mầm mọc ở gốc ghép và phần dưới mắt ghép.
- Trời nắng phải che mát nơi ghép. Cần tưới nước thường xuyên cho mắt ghép.
- Khi mắt phát triển thành mầm được 10 - 12cm thì cắt cành chịu ghép (của gốc ghép) phía trên mắt từ 1 - 2cm. Dùng cây chói nhỏ và dây buộc gốc ghép, tránh lay động.
- Thời gian thuận tiện nhất cho việc ghép cây hoa hồng là mùa xuân.
(Theo Khoahocchonhanong.com.vn)