Sau khi gieo cấy xong vụ lúa đông xuân 2023, ngành chức năng và bà con nông dân cần chú ý một số vấn đề về kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo sau để đạt được năng suất cao.
Việc giữ nước ở chân ruộng đã cấy có ý nghĩa rất quan trọng khi nhiệt độ xuống thấp
- Nước tưới và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại: Nước rất quan trọng để lúa đông xuân phục hồi và sinh trưởng, nhất là giai đoạn nửa đầu vụ khi chưa có mưa rào. Giai đoạn này cần bảo đảm giữ mực nước nông trên ruộng, vừa giữ ấm gốc vừa hạn chế cỏ dại. Chỉ tháo nước phơi ruộng khi lúa đẻ tối đa và chuẩn bị phân hóa, giai đoạn này tiến hành phơi ruộng, vừa làm lúa cứng gốc, rễ lúa ăn sâu, chống đổ tốt và hạn chế phát thải khí nhà kính.
- Sâu bệnh hại: Vụ lúa đông xuân, bệnh đạo ôn là bệnh nguy hại và dễ lan truyền, phát tán thành dịch, gây hại trên lá ngay khi lúa đẻ nhánh rộ, thậm chí năm ấm đã có ổ dịch trên mạ gieo dược, dày và trên các giống lúa mẫn cảm như nếp hoặc BC15 cũ sau cấy vài tuần.
Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương cần tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo và phát hiện nhanh, kịp thời khoanh vùng ổ bệnh, phun thuốc đặc hiệu để tiêu diệt sớm, tránh để lây lan phát tán nguồn nấm bệnh. Giai đoạn lúa trổ, đặc biệt với trà lúa, chân ruộng trổ sớm vào tháng 4, nguy cơ còn gặp rét, mưa phùn do các đợt không khí lạnh lệch đông cần phun phòng bằng thuốc đặc hiệu.
Các loại sâu bệnh và đối tượng dịch hại khác cần theo dõi chặt như ốc bươu vàng, chuột gây hại, bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá và đục thân các lứa cuối vụ, giai đoạn xuất hiện lá công năng.
Lúa đông xuân có một đặc tính là “vừa trổ, vừa tốt”, thực tế này đã được nhiều vụ chứng minh, với căn cứ khoa học là lượng đạm được bổ sung nhờ các trận mưa rào, sấm chớp đầu mùa “lúa xuân lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, do vậy khuyến cáo nông dân không nên bón nuôi đòng, nuôi hạt và bón thúc quá muộn, việc bón này dễ gây tình trạng “lốp” do quá thừa đạm và kéo theo bệnh hại, ngã đổ...
Theo Nông nghiệp Việt Nam