Năm nay, áp lực về thời vụ rất lớn đối với cây vụ đông. Để vụ đông đạt hiệu quả, nông dân các vùng cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác sau:
- Lựa chọn các giống cây trồng phù hợp: Tùy theo đặc điểm thế mạnh của mỗi vùng mà nông dân có thể lựa chọn cây vụ đông sớm, chính hay muộn để phát triển. Nên ưu tiên chọn các giống cây trồng lai F1 để tăng năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, bất lợi tốt... Các cây trồng vụ đông sớm nên chọn các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, ưa thâm canh, có nhiều đặc tính nông học quý (thân, lá, quả cứng chắc, chất lượng cao...).
- Bố trí thời vụ thích hợp: Cây vụ đông sớm cho lợi nhuận cao nhưng thời điểm trồng đúng vào thời tiết chuyển vụ nên thường bị thiệt hại lớn nếu mưa nắng kéo dài. Vì vậy các vùng chuyên canh cần rải lứa các cây rau màu ở vụ đông sớm để giảm thiểu thiệt hại nặng nề khi gặp thiên tai, tranh thủ để đất ruộng được nghỉ ngơi và xử lý mầm bệnh. Việc rải lứa sẽ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, không phải chịu tình trạng “hàng nhiều, giá rẻ”.
Với các cây ưa lạnh như hành tỏi, cải bắp, hoa lơ, khoai tây... có thể bố trí trồng sớm từ ngày 15 đến 30-10 nếu giải phóng được đất, hoặc trồng chính vụ từ ngày 1 đến 20-11... Trồng sớm các cây này tuy năng suất thấp nhưng giá cao.
- Áp dụng tốt kỹ thuật canh tác:
+ Tăng mật độ: Với cây ngô tăng mật độ ở mức 1.700-2.000 cây/sào bằng cách trồng hướng lá ngô vuông góc với luống trồng. Với dưa hấu, dưa kim thực hiện tăng mật độ bằng giảm chiều rộng luống chỉ còn 1,8-2 m (luống đôi) và điều chỉnh quay ngược ngọn vòng về gốc rồi mới hướng ngọn bò ra giữa luống.
Với cây khoai tây: Cần phân loại củ để trồng sao cho bảo đảm khoảng 8 vạn củ/ha (củ nhỏ) và 5-5,5 vạn củ/ha (củ trung bình).
+ Giảm tỷ lệ thất thoát cây sau mưa lớn: Cần tiến hành làm vòm khum nilon cao 0,8-1m che mưa cho các cây rau màu có chiều cao thấp. Lên luống cao 30-35 cm (nhất là cây vụ đông sớm), đào hố các góc ruộng khoảng 1m3, nạo vẹt các dõng luống thường xuyên để tiêu úng kịp thời...
Làm đất tối thiểu trồng cây vụ đông nếu đầu vụ thời tiết có mưa nhiều (cần xới xáo mặt luống cho thông thoáng bộ rễ cây sau này). Cải tạo đất và bón phân cân đối, hợp lý. Khắc phục thiếu hữu cơ cho đất bằng 3 cách: sử dụng phân vi sinh từ 40-60 kg/sào để thay thế cho phân chuồng mục; sử dụng rơm rạ tươi, bèo tây ủ cùng men vi sinh hoặc vôi để trồng khoai tây, khoai lang hoặc ngô; sử dụng mùn rác thực vật ủ mục với chế phẩm men vi sinh.
Dưới áp lực của thời tiết bất lợi, sâu bệnh phát sinh nhiều nông dân cần tạo cây khỏe thông qua biện pháp bón phân cân đối và hợp lý. Thực tế cho thấy việc sử dụng phân bón tổng hợp NPK sẽ là hợp lý và cân đối hơn so với bón phân đơn. Cây trồng được bổ sung cân đối và đầy đủ các dưỡng chất sẽ phát triển thuận lợi, kháng sâu bệnh và chống chịu tốt hơn.
Chủ động tưới tiêu nước theo yêu cầu của từng loại cây trồng: Các giải pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới ngầm, tưới phun mưa hiện đang được nhiều vùng triển khai áp dụng. Song các vùng không chuyên canh vẫn có thể áp dụng cách tưới thủ công (dẫn nước vào các dõng luống) nhưng cần chú ý không được để xảy ra hiện tượng thiếu hoặc thừa nước kéo dài.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)