Kỳ thủ Trường Sơn và một cuộc đời thăng trầm

11/10/2018 20:01

Huy chương vàng cá nhân ở Olympiad cờ vua 2018 được kỳ vọng là cú hích giúp Trường Sơn trở thành hiện tượng thêm một lần nữa.

Trường Sơn vừa đoạt huy chương vàng cá nhân thứ hai ở Olympiad cờ vua. Ảnh: BCO


Ở đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ ba năm 1995 tại Hà Nội, có một VĐV mới 5 tuổi. Cậu bé đại diện cho Kiên Giang thi môn cờ vua. Do vóc dáng nhỏ bé, không ngồi vừa những chiếc bàn thi đấu dành cho người lớn, cậu nhóc phải đứng lên ghế mới nhìn thấy bàn cờ và với tới các quân. Đó là ngày người hâm mộ biết đến Nguyễn Ngọc Trường Sơn.

Ba tuổi Trường Sơn được học những nước cờ đầu tiên, từ lời chỉ dạy của bố mẹ. Cậu tiến bộ nhanh và không lâu sau đã đánh thắng hai "người thầy" đầu tiên. Bố của Trường Sơn - ông Nguyễn Ngọc Sinh - nhanh chóng nhận ra năng khiếu của con trai. Khi Trường Sơn lên 4 tuổi, ông Sinh đưa cậu bé đến với thầy Trịnh Hoàng Cường -  huấn luyện viên (HLV) chuyên dạy cờ vua ở Sở Thể dục Thể thao Kiên Giang.

Ông Sinh và vợ - bà Trần Thị Minh - đều gốc Hà Tĩnh. Ông Sinh tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao, còn bà Minh theo ngành sư phạm. Hai người được luân chuyển vào Kiên Giang công tác năm 1986, đều theo nghiệp giảng dạy. Ba năm sau, họ kết hôn. Trường Sơn là con trai đầu lòng của họ, chào đời tại Rạch Giá tháng 2.1990. Cũng do công tác cùng nhau, ông Sinh mới có thể giới thiệu cho thầy Cường năng khiếu cờ vua của con trai.

Chia sẻ với phóng viên, Trường Sơn luôn xem thầy Cường là người ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp cờ vua thuở nhỏ. Thầy Cường mạnh dạn đưa Trường Sơn vào đội cờ Kiên Giang dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, khi cậu bé mới 5 tuổi. Đến tuổi đi học, Trường Sơn bộc lộ tố chất và luôn được thầy cô chấm để đi thi học sinh giỏi. Đó cũng là lần đầu tiên Trường Sơn đứng trước ngã ba đường, giữa cờ vua và học văn hóa.

Trường Sơn bộc lộ năng khiếu cờ vua khi còn rất nhỏ. Ảnh: SGGP

Nhưng, sự quyết tâm của gia đình và thầy Cường giúp Trường Sơn không phải rẽ ngang. Tám tuổi, Trường Sơn đã dự giải U10 thế giới ở Tây Ban Nha, nhưng không đạt thành tích. Không nản chí, cậu bé tiếp tục tiến bộ và một năm sau đã vô địch U9 châu Á. Đến năm 2000, cậu trở lại bán đảo Iberia để chinh phục mục tiêu còn dang dở, rồi hồi hương với huy chương vàng quý giá. Cuối năm đó, Trường Sơn về thứ hai trong danh sách vận động viên tiêu biểu của Việt Nam.

Trường Sơn từ đó trở thành niềm cảm hứng cho những cậu bé học cờ. Ở các giải trẻ toàn quốc đầu những năm 2000, câu hỏi được đặt ra cho hầu hết kỳ thủ nhí là liệu Trường Sơn có thi đấu không, hay liệu có được gặp Trường Sơn không.

Mùa hè 2003, tại giải cờ vua trẻ toàn quốc được tổ chức ở trường Quốc Học Huế, thắc mắc ấy lại trỗi dậy với các kỳ thủ. Khi tất cả đang nhốn nhác chuẩn bị cho trận khai mạc trong hội trường, có tiếng ý ới vang lên: "Có ô tô đến kìa!". Ô tô xuất hiện có nghĩa họ sắp nhìn thấy một "ngôi sao" làng cờ nhí. Tất cả chờ đợi được nhìn thấy Trường Sơn - ảnh bìa của biết bao cuốn tạp chí cờ vua chúng từng đọc. Nhưng đó lại là xe của đoàn TP Hồ Chí Minh. Không sao cả, họ vẫn được thấy Lê Quang Liêm - huy chương bạc U10 thế giới năm 2001.

Năm đó Quang Liêm vô địch U13 toàn quốc "dễ như ăn kẹo". Đó chỉ là giải tập dượt của kỳ thủ sinh năm 1991 cho giải U12 thế giới và SEA Games 2003. Cờ vua Việt Nam với nhiều tài năng trẻ như Lê Quang Liêm, thậm chí không cần đến Trường Sơn cho đại hội trên sân nhà. Lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao hướng cho Trường Sơn đến mục tiêu lớn hơn, đó là trở thành Đại kiện tướng (GM - Grandmaster). Năm đó, Trường Sơn khăn gói sang Hungary theo chương trình học hai năm của công ty Chesscom - do thầy Hoàng Minh Chương thành lập.

Thầy Chương là bố của GM Hoàng Thanh Trang, sang Hungary định cư từ năm 1990. Ông từng giúp Đào Thiên Hải trở thành GM đầu tiên của cờ vua Việt Nam. Trường Sơn tiến bộ chóng mặt dưới sự dẫn dắt của thầy Chương. Đến nỗi từ mục tiêu trở thành GM, cậu có thể trở thành GM trẻ nhất lịch sử.

Trường Sơn với chức vô địch U10 thế giới năm 2000. Ảnh:Chessbase.

Trường Sơn đạt chuẩn GM đầu tiên tháng 4.2004, hai tháng sau đã có chuẩn thứ hai. Đến tháng 8, cậu bé suýt hoàn tất chuẩn cuối cùng. Nếu thành công, Trường Sơn sẽ đạt thành tích vô tiền khoáng hậu khi đoạt ba chuẩn GM chỉ trong bốn tháng. Nhưng cậu không phải chờ lâu để trở thành GM, với chức vô địch First Saturday tháng 12.2004. Trở thành GM trẻ nhất lịch sử châu Á, và thứ hai thế giới thời điểm đó (sau Magnus Carlsen), Trường Sơn xứng đáng là VĐV tiêu biểu của Việt Nam năm 2004.

Trường Sơn được biết đến là chàng trai giàu tình cảm. Mỗi khi thi đấu xa nhà, anh thường viết thư về cho bố mẹ và em gái Thùy Dương, hỏi thăm từ những thứ nhỏ nhất. Khi trở về, hành trang của Trường Sơn không chỉ là những huy chương danh giá, mà còn là những món quà giá trị cho gia đình.

2004 là năm của Trường Sơn, nhưng sau đó anh vấp phải nhiều biến cố. Ảnh hưởng lớn hơn cả là việc bố mẹ ly dị. Với một người giàu tình cảm như Trường Sơn, đó có lẽ là cú sốc lớn nhất. Nhiều người cho rằng tâm lý không tốt khiến Trường Sơn không thể giữ đà thăng tiến trong những năm sau đó. Do nhiều yếu tố, anh cũng chỉ học hết cấp hai.

Suốt 5 năm sau, Elo của Trường Sơn không được cải thiện nhiều và chỉ ở mức 2.500-2.600. Đó là bởi anh không dự nhiều giải đấu, trong nước cũng như quốc tế, ngoại trừ Olympiad cờ vua. Cuối năm 2009, Trường Sơn lần đầu chạm mốc Elo 2.600. Anh bắt đầu dự một số giải mở hàng đầu thế giới, trong đó có vị trí thứ năm ở Aeroflot Mở rộng 2010.

Trường Sơn (trái) từng vô địch giải cờ vua quốc tế HDBank năm 2014


Kết quả đó giúp Trường Sơn được mời dự giải cờ Biel cùng năm. 10 kỳ thủ với Elo trung bình 2.658 góp mặt, trong đó có Maxime Vachier-Lagrave, Fabiano Caruana hay Anish Giri. Trường Sơn hòa bảy ván đầu, rồi bất ngờ hạ Evgeny Tomashevsky và Giri trong hai ván cuối. Anh có cùng 5,5 điểm với Caruana và Vachier-Lagrave, hơn chỉ số phụ. Nhưng ba kỳ thủ vẫn phải đấu loạt tie-break cờ nhanh để phân định ngôi vương, kết quả là Trường Sơn về nhì. "Giải Biel năm 2010 ở Thụy Sỹ có lẽ là đáng nhớ nhất với tôi, vì đó là lần hiếm hoi tôi tham dự một giải mời và có kết quả tốt", anh tâm sự.

Trường Sơn thường chơi tốt với những kỳ thủ ngang cơ hoặc mạnh hơn, nhưng anh không có nhiều động lực đấu đối thủ dưới tầm. Anh thường từ chối dự những giải trong nước cũng như khu vực - cơ hội cải thiện Elo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở Olympiad, Trường Sơn lại thường tỏa sáng. Năm 2014 ở Tromso (Na Uy), anh đoạt HC vàng cá nhân bàn hai với hiệu suất thi đấu 2.843 (8,5 điểm qua 10 ván). Đến kỳ Olympiad vừa qua ở Batumi (Georgia), anh lặp lại thành tích tương tự, với hiệu suất 2.804. Từ trước đến nay, chưa kỳ thủ nam nào của Việt Nam đoạt huy chương tại giải, chưa nói đến hai HC vàng như Trường Sơn.

Trường Sơn nhận huy chương vàng cá nhân bàn hai ở Olympiad 2018. Ảnh: Chess.com

Nhưng tiến bộ của Trường Sơn vẫn chưa sánh được với kỳ vọng từ mọi người, nhất là khi nhìn sang Quang Liêm. Năm 2011, kỳ thủ người TP Hồ Chí Minh trở thành Siêu đại kiện tướng đầu tiên của Việt Nam, Elo vượt 2.700. Anh cũng vươn lên trở thành kỳ thủ số một Việt Nam, thay Trường Sơn ngồi bàn một ở Olympiad. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi và so sánh.

"Để một kỳ thủ có thể phát triển tới trình độ cao, đòi hỏi nhiều yếu tố như năng khiếu, sự đầu tư, sự chuyên nghiệp... Trước giờ ở Việt Nam chỉ có Quang Liêm là trường hợp đặc biệt, hội tụ đủ những yếu tố cần thiết đó", Trường Sơn nói.

Xét về năng khiếu, Trường Sơn không thua Quang Liêm. Nhưng khác biệt nằm ở những yếu tố còn lại. Quang Liêm duy trì ổn định trong nhóm 2.700 nhiều năm qua, ngay cả khi anh bận học hai bằng ở trường Webster (Mỹ). Anh được học với nhiều thầy ngoại có đẳng cấp thế giới như Alexander Khalifman, Evgeny Bareev hay Susan Polgar. Điều kiện tài chính của gia đình Quang Liêm và TP Hồ Chí Minh cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của kỳ thủ 27 tuổi.

Trường Sơn thừa nhận thời gian qua, vì một số việc mà thi đấu ít giải. Anh cũng muốn cải thiện điểm yếu về chuyên môn, tâm lý và sức khỏe. Nâng cao toàn diện về bản thân là điều Trường Sơn có thể làm được, nhưng việc học hỏi thầy ngoại chất lượng hay nguồn kinh phí dự những giải mở là rào cản lớn với kỳ thủ 28 tuổi. Năm 2011, Trường Sơn từng ký hợp đồng tài trợ với Liên đoàn cờ Việt Nam. Nhưng hợp đồng không được thực hiện đầy đủ vì nhiều nguyên nhân.

HC vàng bàn hai cùng màn trình diễn tương đương với kỳ thủ có Elo hơn 2.800 ở Olympiad của Trường Sơn một lần nữa cho thấy anh vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Trường Sơn đủ tố chất để vào nhóm Siêu đại kiện tướng như Quang Liêm (ngồi, ngoài cùng bên phải)

Độ tuổi 28 là hơi muộn so với thường lệ để một kỳ thủ tấn công nhóm 2.700, nhưng không phải không thể. Năm 2018, người ta vừa chứng kiến "hiện tượng" Samuel Shankland vô địch cờ vua Mỹ, lần đầu vào nhóm Siêu đại kiện tướng ở tuổi 27. Shankland không vụt sáng nhất thời, mà liên tục cải thiện Elo cho đến nay, đã vượt cả Quang Liêm.

Thành tích của Trường Sơn ở Olympiad vừa qua giúp anh có thêm 21 Elo. Với Elo hiện thời 2.641, anh lần nữa áp sát top 100 thế giới. Và người hâm mộ tiếp tục có lý do để chờ Trường Sơn trở thành hiện tượng thêm lần nữa.

Trường Sơn lập gia đình năm 2015, cùng Phạm Lê Thảo Nguyên - nữ kỳ thủ người Cần Thơ. Thảo Nguyên từng vào top 50 nữ thế giới, cũng là kỳ thủ nữ duy nhất của Việt Nam nhận danh hiệu Kiện tướng quốc tế (IM) của nam. Hai vợ chồng kỳ thủ thường xuyên sát cánh ở những giải quốc tế. Họ vừa góp công lớn giúp Việt Nam đoạt thành tích cao ở Olympiad vừa qua (đội nam hạng bảy - cao nhất lịch sử, đội nữ hạng 15).

Cũng như hầu hết các tên tuổi của làng cờ Việt Nam hiện tại, Trường Sơn - Thảo Nguyên đều trưởng thành từ giải cờ vua Quốc tế HDBank - giải cờ lớn nhất hàng năm tổ chức tại Việt Nam từ năm 2011, thuộc hệ thống thi đấu chính thức của FIDE và được điều hành bởi các trọng tài quốc tế. Cũng thông qua giải này, nhiều kỳ thủ trẻ của Việt Nam cũng như quốc tế đã đạt chuẩn kiện tướng, đại kiện tướng. Nguyễn Anh Khôi, Lê Minh Hoàng, Trần Tuấn Minh, Trần Minh Thắng nhờ được trui rèn qua giải HDBank mà chiếm lĩnh thứ hạng cao ở các giải trẻ quốc tế những năm qua.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thủ Trường Sơn và một cuộc đời thăng trầm