Trekking - hình thức du lịch leo núi với địa hình hiểm trở từ lâu đã được giới trẻ rất ưa chuộng. Vùng Tây Bắc là nơi hội tụ những dãy núi cao nhất Việt Nam, trong đó có Ky Quan San.
Sau hành trình chinh phục Ky Quan San đầy khó khăn, du khách sẽ được tận hưởng bình minh trên đỉnh núi Muối
Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai) với thiên nhiên hoang sơ cùng vị trí thứ 4 trong tổng số 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam đã khiến nơi đây trở thành điểm trekking “hot” của giới trẻ.
Leo núi bằng “đầu”
Núi Muối thuộc dãy Ky Quan San có đỉnh cao nhất trên 3.000 m và là ranh giới tự nhiên giữa Lai Châu và Lào Cai
Núi Ky Quan San thường được các trekker (người leo núi) gọi bằng cái tên khá thơ mộng Bạch Mộc Lương Tử. Nhưng theo những người dân bản địa, Ky Quan San mới là tên chính thức của dãy núi này.
Ky Quan San có độ cao 3.046 m so với mực nước biển. Đây là đỉnh núi cao thứ tư tại Việt Nam sau Fansipan (3.143 m), Pu Ta Leng (3.096 m), Pu Si Lung (3.076 m). Cả bốn ngọn núi này đều nằm ở địa phận hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Con đường từ điểm bắt đầu cuộc hành trình - bản Sàng Ma Sáo lên đỉnh Ky Quan San dài 34km nhưng càng lên cao, độ dốc càng lớn, thậm chí có những đoạn dốc dựng ngược kéo dài khiến nhiều người muốn bỏ cuộc giữa chừng. Chặng đường dài đầy khó khăn không chỉ thử thách thể lực mà còn đòi hỏi các trekker phải luôn giữ vững tinh thần. Dường như Ky Quan San hiểu lòng người nên sau mỗi đoạn dốc khó đi lại là con đường bằng phẳng. Hai bên đường, thiên nhiên chào đón du khách bằng tiếng suối chảy róc rách, những rừng hoa mua tím ngắt, rừng phong lá đỏ hay rừng trúc và rừng thảo quả nguyên sơ...
Đến độ cao trên 2.000 m, du khách sẽ bắt gặp góc nhìn thoáng đãng, khung cảnh đẹp của núi Muối
Sau khoảng 7 tiếng đồng hồ, du khách tới lán nghỉ ở độ cao 2.100 m. Căn lán gỗ rộng khoảng 80 m2 đủ sức chứa 80 - 100 khách, được đồng bào dân tộc Mông dựng bằng vật liệu chở từ dưới chân núi lên. Từ đây, tùy theo hành trình, du khách có thể đi tiếp hoặc nghỉ qua đêm để lấy sức cho chặng đường tiếp theo.
Ngày hôm sau, du khách dậy từ mờ sáng để ngắm bình minh trên núi Muối, nơi mặt trời nhô lên từ biển mây huyền ảo. Sau đó, du khách tiếp tục cuộc hành trình, băng qua “sống khủng long” - một vách đá cheo leo, hiểm trở, hai bên là vực sâu để đặt chân tới đỉnh Ky Quan San.
Đánh thức nàng tiên say ngủ
Ky Quan San vẫn khá hoang sơ, cần được đầu tư và khai thác một cách bài bản
Nếu ví Ky Quan San là nàng tiên đang say ngủ thì điều đó vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Mừng là bởi những giá trị nguyên sơ của thiên nhiên, văn hóa bản địa và con người còn được giữ gìn, nhưng lo bởi loại hình du lịch mạo hiểm này đang được khai thác một cách tự phát.
Thực tế, tour chinh phục Ky Quan San mới bắt đầu từ năm 2012, do các “phượt thủ" tự đi và truyền kinh nghiệm cho nhau trên các diễn đàn du lịch. Trên cả cung đường, không có bất kỳ một tấm biển chỉ dẫn hay cảnh báo an toàn cho du khách. Nhiều đoạn, địa hình rất hiểm trở, nếu không có người địa phương hay hướng dẫn viên thạo đường, du khách rất dễ bị lạc đường hay gặp tai nạn.
Đánh giá cao tiềm năng du lịch trekking tại Ky Quan San nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar Travel cho rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch trekking so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển một cách bài bản, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành du lịch, có chính sách phát triển phù hợp, đưa ra các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật riêng cũng như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo và đào tạo nguồn nhân lực...
BẢO KHÁNH