Kỷ niệm từ những bức ảnh

28/11/2016 16:16

Những bức ảnh đăng báo đã ghi lại chân thực, đầy đủ, sống động những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống...



Phóng viên ảnh Thành Chung (đội mũ) - người có hơn 10 năm gắn bó với Báo Hải Dương

Cân nhắc từng lần bấm máy

Gần 30 năm gắn bó với nghề cũng là từng ấy năm nhà báo Lê Đình Phú gắn bó với chiếc máy ảnh, bởi ông nguyên là phóng viên ảnh của Báo Hải Hưng. Ông Phú chia sẻ: “Thời trước, điều kiện còn thiếu thốn nên việc tác nghiệp của anh em phóng viên ảnh nhiều khó khăn, vất vả lắm. Chúng tôi chụp bằng máy phim do cơ quan trang bị, phải rất cẩn thận cân nhắc từng lần bấm máy. Khi chụp chưa hết phim phải cắt phim đem tráng, phần phim chưa chụp giữ để dùng tiếp. Người phóng viên ảnh khi ấy phải tự làm tất cả các công đoạn để ra được một bức ảnh hoàn chỉnh, từ chụp đến tráng phim, rọi ảnh trong phòng tối”.

Thời ấy, phương tiện đi lại cũng là một trở ngại không hề nhỏ. Tỉnh Hải Hưng rất rộng. Đoạn đường từ cơ quan đến xã xa nhất lên tới 60-70 km. Anh em phóng viên cùng người bạn đồng hành là chiếc xe đạp cà tàng vẫn rong ruổi trên mọi cung đường. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ 3-4 ngày. Nhiều khi xe đạp bị hư hỏng. Ông Phú nhớ lại: “Nếu hỏng nhẹ thì còn đỡ, chứ xe bị hỏng nặng thì phải dắt bộ vài ba cây số mới có quán sửa chữa. Chuyện phải ngủ nhờ, ăn nhờ nhà dân hoặc đạp xe trong đêm vắng là chuyện bình thường”. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để có những bức ảnh đẹp, kịp thời đăng báo.

Trong cuộc đời mình, nhà báo Lê Đình Phú đã chụp được nhiều bức ảnh đẹp như: “Đợi đến bao giờ”, “Làng tiến sĩ bị lãng quên”, “Vệ sĩ trung thành”, “Cổ vọng cung xưa”, “Hoàng hôn trên mặt sông”… Các bức ảnh đã phản ánh chân thực, sống động về cuộc sống lao động, sản xuất của người dân trong tỉnh một thời, để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc.

Đối mặt với hiểm nguy

Để có được những bức ảnh tốt, đặc biệt là những bức ảnh có tính chiến đấu, phóng viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, thậm chí đối mặt với hiểm nguy.

Phóng viên ảnh Nguyễn Thành Chung đã có hơn 10 năm gắn bó với Báo Hải Dương. Trong quá trình tác nghiệp, anh đã có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Cuối năm 2013, tại phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) xuất hiện một tụ điểm tiêm chích ma túy. Khu vực này gần đường tàu, khá hoang vắng. Hằng ngày, các đối tượng nghiện ma túy thường xuyên tụ tập để chích ma túy, người dân xung quanh rất lo ngại. Sau nhiều lần thăm dò, phóng viên Nguyễn Thành Chung đã tiếp cận được một nhà dân đồng ý giúp anh “mai phục” để chụp hình từ tầng 2. Anh Chung chia sẻ: “Tôi phải cải trang để tiếp cận khu vực các đối tượng hay tụ tập để nắm bắt tình hình và địa bàn. Từ đó, tôi đã nắm rõ được quy luật hoạt động của các đối tượng và lên phương án phục sẵn”. Sau gần một tháng theo dõi, anh Chung đã chụp được nhiều tấm hình về việc các đối tượng ngang nhiên chích ma túy. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra vào đúng ngày cuối cùng. Khi tấm hình cuối cùng được bấm máy cũng là lúc một đối tượng trong nhóm chích ma túy phát hiện đang có người lạ theo dõi. Ngay lập tức, các đối tượng đã kéo nhau để chặn cửa ngôi nhà mà anh Chung đang nhờ. Với bản lĩnh và kinh nghiệm, anh khéo léo giải thích để xóa tan mọi nghi ngờ của các đối tượng. Sau đó, một loạt ảnh phản ánh về việc ngang nhiên tiêm chích ma túy đăng tải trên báo Hải Dương và lực lượng chức năng đã ra tay xóa sổ tụ điểm này, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Dù mới công tác tại Báo Hải Dương nhưng phóng viên Nguyễn Tiến Mạnh ở Phòng Văn hóa - Xã hội đã thể hiện niềm đam mê với thể loại phóng sự điều tra. Nhưng cái khó của nhiều bài phóng sự điều tra không chỉ là việc thu thập thông tin mà rất khó chụp ảnh. Để có được những bức ảnh đắt giá phục vụ các bài viết này, anh đã từng phải hóa trang để nhập vai. Lần gần đây nhất, anh đã giả làm dân buôn để thâm nhập vào các lò giết mổ lấy tư liệu viết bài về thực phẩm bẩn. Anh cho biết: “Nếu không có ảnh thì bài viết sẽ không có sức thuyết phục. Chúng tôi đã phải cải trang thành chủ quán ăn, người mua buôn trong nhiều ngày mới tiếp cận được các đối tượng. Do đặc thù công việc, nhiều người rất ác cảm với phóng viên. Có những người sẵn sàng gây sự, hành hung nếu phát hiện bị chụp ảnh. Trong trường hợp như vậy, chúng tôi phải thật nhập vai để lấy lòng tin. Sau đó mới thận trọng sử dụng điện thoại, cùng các thiết bị trợ giúp để tác nghiệp”. Nhờ nhập vai thành công, phóng viên Nguyễn Tiến Mạnh đã chụp được những bức ảnh khá đắt về tình trạng mất vệ sinh khi giết mổ lợn, buôn bán tiết canh. Bài báo cùng bức ảnh sau khi đăng tải đã được bạn đọc rất quan tâm.

QUỲNH VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm từ những bức ảnh