Nhớ một lần gặp, với cái dáng giản dị đến luề xuề, Lê Lựu bảo tôi: Không hiểu sao tớ lại là nhà văn. Ông cười hề hề rồi kể: Ngày gặp lại thầy giáo cũ trường làng cũng bảo tớ không ngờ giờ Lê Lựu thành nhà văn nổi tiếng!
Nhớ một lần gặp, với cái dáng giản dị đến luề xuề, Lê Lựu bảo tôi: Không hiểu sao tớ lại là nhà văn. Ông cười hề hề rồi kể: Ngày gặp lại thầy giáo cũ trường làng cũng bảo tớ không ngờ giờ Lê Lựu thành nhà văn nổi tiếng!
Ông bảo, ngày ở lính Quân khu 3, ông viết báo tường, rồi viết bài gửi cho báo Quân khu. Một lần ông gửi bài dài về công việc vất vả của anh nuôi, vừa bảo đảm “cơm ngon, canh ngọt” vừa giữ vệ sinh và phải diệt ruồi trong khu nhà bếp. Bài gửi đi, hồi hộp chờ đợi. "Mấy ngày sau, nhận tờ báo, tìm mãi không thấy bài mình đâu, cuối cùng thấy trong mục “Tin vắn” có mấy dòng nói về phong trào diệt ruồi của anh em nhà bếp, ký tên Lê Lựu. Đọc đi đọc lại thấy sướng. Lặng lẽ, tớ cắt mẩu tin, ép phẳng phiu cho vào sổ tay, thỉnh thoảng lại bí mật mở ra xem một mình. Sướng âm ỉ hàng tháng trời...", ông kể.
Đấy là câu chuyện vui ngày đầu của sự nghiệp văn chương ông kể với tôi khi ông là một trong những cộng tác viên thân thiết của báo Hải Dương.
Ngoài mê đắm văn chương với bao tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc (Người về đồng cói, Mở rừng, Thời xa vắng...), nhà văn Lê Lựu còn say mê bao công việc “đối nội, đối ngoại” góp phần tích cực cùng Hội Nhà văn Việt Nam kết nối giao hảo với các nhà văn cựu binh Mỹ sau chiến tranh 1975. Có thể nói, ông là người tiên phong mở đường cho các nhà văn Việt Nam và Mỹ gặp nhau sau cuộc chiến khốc liệt. Rồi ông lại say mê xây dựng Trung tâm Văn hóa doanh nhân, ra tạp chí Văn hóa doanh nhân và đi các vùng miền không mệt mỏi để vận động và dựng xây, hy vọng thổi một luồng văn hoá đẹp vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thời mở cửa.
Rồi tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, tôi giật mình gặp ông đi dự đại hội, một tay chống gậy, một bên có người dìu...
Thời gian lặng lẽ trôi mà sao thật khắc nghiệt! Đêm qua, mấy bạn văn điện cho tôi, báo tin “Nhà văn Lê Lựu đã ra đi”! Nghe xong, lòng rũ buồn. Anh chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 81. 81 năm chứa đầy những “hỷ, nộ, ái, ố” của kiếp người...
HÀ KHÁNH NGUYÊN