Kỷ niệm không phai

01/01/2020 10:00

Tròn 60 năm đã qua nhưng kỷ niệm về những ngày đầu kết nghĩa vẫn còn in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ Hải Dương.

Hội nghị kết nghĩa giữa hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương (ảnh tư liệu)

Năm 1960, hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên kết nghĩa. Tròn 60 năm đã qua nhưng kỷ niệm về những ngày đầu kết nghĩa vẫn còn in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ Hải Dương.

Vì Phú Yên kết nghĩa

Sinh năm 1931, cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Sỹ Thư, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn nhớ như in từng sự kiện lịch sử của dân tộc, của mảnh đất Hải Dương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ông Thư kể lại: “Thời kỳ đó, cùng với các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng hậu phương lớn, quân và dân miền Bắc còn phát động nhiều phong trào vì miền Nam ruột thịt. Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các tỉnh, thành phố miền Nam". 

Lúc đó, ông Thư đang là Giám đốc Sở Xây dựng nên các sự kiện lớn của tỉnh ông đều được biết khá sớm. Sau khi chủ trương kết nghĩa được HĐND tỉnh thông qua, trong tháng 1.1960, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã thay mặt nhân dân Hải Dương và những cán bộ lãnh đạo tỉnh Phú Yên tập kết ra Bắc mở hội nghị kết nghĩa.

Việc kết nghĩa nhanh chóng được thông báo rộng rãi đến các sở, ngành và nhân dân trong tỉnh. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ai nấy đều vui mừng phấn khởi, hăng hái tổ chức các hoạt động thi đua sản xuất để hướng về Phú Yên.

Sau khi 2 tỉnh kết nghĩa, quân và dân tỉnh ta thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam theo tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Tỉnh Hải Dương đã nhận cán bộ, con em Phú Yên tập kết về học tập, công tác...

Hồi đó, Sở Xây dựng cũng tiếp nhận một số sinh viên tỉnh Phú Yên sau khi học xong có nguyện vọng về Hải Dương làm việc. Trong các sinh viên đó có đồng chí Võ Văn Khả sau này được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương.

Khi đồng chí Khả trở về Phú Yên công tác, đích thân đồng chí Trần Tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng (thời kỳ này hai tỉnh Hải Dương-Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng) đã cùng cán bộ Sở Xây dựng đưa tiễn. Bữa chia tay đó người đi, người ở xiết bao xúc động.

Phong trào lan rộng

Những ngày đầu sau hội nghị kết nghĩa, các địa phương phổ biến cho cán bộ, nhân dân ý nghĩa của hoạt động quan trọng trên. Hàng vạn cán bộ và đồng bào ở các địa phương khi nhận được thông tin về hội nghị kết nghĩa, về tình hình chiến sự tại Phú Yên đã cảm thông sâu sắc với đồng bào miền Nam đang phải sống dưới sự kìm kẹp của Mỹ - Diệm.

Mỗi người nguyện đem hết sức mình thực hiện tốt mọi công tác, đẩy mạnh sản xuất để cùng đồng bào miền Nam, đồng bào Phú Yên đấu tranh chống Mỹ. Tại huyện Bình Giang có phong trào thi đua "làm cỏ Mỹ-Diệm", phong trào "đắp đường Phú Yên".

Huyện Thanh Hà có phong trào "đào ngòi Phú Yên", "đắp đê Phú Yên". Huyện Kinh Môn phát động phong trào thi đua chăm bón lúa chiêm để "kết nghĩa với Phú Yên". 3 HTX ở xã Lạc Long (Kinh Môn) cấy riêng 8 sào ruộng cắm biển "thửa ruộng Phú Yên".

Dân công công trường đào sông Thái Sơn - An Sinh đặt tên là "khúc sông nối liền Nam - Bắc". Tại thôn Vàng (Gia Lộc), ngày Tết, già trẻ cả thôn đánh trống, mở cờ vác cuốc, xẻng ra bờ sông đào được 2.280 hố trồng rặng xoan lấy tên "rặng cây Phú - Hải"... Toàn tỉnh Hải Dương khi đó hừng hực khí thế nhà nhà hướng về Phú Yên ruột thịt.

Ông Phạm Văn Bảo, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh nhớ lại: "Năm 1960, tôi đang học tại Trường Trung cấp Sư phạm thì diễn ra sự kiện hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên kết nghĩa. Sau sự kiện đó và những năm sau này, nhiều phong trào thi đua của các cấp, các ngành trong tỉnh được gắn với vùng đất Phú Yên". Nhiều con em tỉnh Hải Dương đã tòng quân vào Nam, vào Phú Yên chiến đấu.

Nhiều chuyến hàng hóa, lương thực, thực phẩm từ mảnh đất Hải Dương đã đến chiến trường, đến với quân và dân Phú Yên. Nhân dân Hải Dương còn nhận con em Phú Yên tập kết về nuôi dưỡng, cán bộ Phú Yên ra an dưỡng... Ngành giáo dục khi đó có phong trào theo bước chân đoàn quân giải phóng.

Theo dõi sát sao tin tức ngoài chiến trường, các nhà trường tổ chức thi đua giành thành tích cao, điểm tốt trong dạy và học. Những năm công tác tại ngành giáo dục huyện Thanh Hà, ông Bảo vẫn nhớ như in sự kiện ngày 1.4.1975, khi tỉnh Phú Yên kết nghĩa giải phóng, giáo viên, học sinh hò reo sung sướng như thể ngày giải phóng trên chính quê hương mình.

Đặc biệt, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Hải Hưng đã cung cấp nhiều cán bộ cho các tỉnh miền Nam. Riêng ngành giáo dục đã chi viện 200 cán bộ, giáo viên vào phát triển sự nghiệp tại hai tỉnh Phú Yên và Long An (tỉnh kết nghĩa với Hưng Yên).

Năm 1995, ông Bảo khi đó là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được cử làm trưởng đoàn đại diện cho tỉnh vào tham dự kỷ niệm 20 năm giải phóng Phú Yên. Gặp các thành viên trong đoàn Hải Hưng, các bạn Phú Yên như gặp lại những người anh em một nhà.

Tối hôm đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên còn đến tận phòng anh em trò chuyện đến khuya, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc giữa hai tỉnh. Cũng trong chuyến đi đó, ông Bảo và đoàn cán bộ tỉnh còn được gặp rất nhiều các cán bộ, chiến sĩ Phú Yên đã từng tập kết, công tác tại tỉnh Hải Hưng những năm kháng chiến chống Mỹ.

Trải qua 60 năm, tình anh em giữa Hải Dương - Phú Yên vẫn gắn bó keo sơn. Còn với mỗi người dân hai tỉnh, nhất là những cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác, chiến đấu trên mảnh đất Hải Dương hay Phú Yên đều coi đó là quê hương thứ hai của mình. 

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Kỷ niệm không phai